Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

CHUNG TÔI VÈ QUÊ BÁC- LÀNG SEN

Tôi trở về quê Bác làng Sen

Tôi và anh Phạm Minh Thông mỗi năm ra Hà Nội vài chuyến, thường là đi máy bay, nên xong công việc là trở về Huế, về Đà Nẵng ngay. Lần này, ra họp mặt kỷ niệm 10 năm Bản tin Nội tộc – Thông tin Họ Phạm Việt Nam. Nhằm ngày 16-5. Ngày hôm sau, 17-5, ở Nghệ An khai mạc Lễ hội Làng Sen. Anh em tôi bàn với nhau, phải làm một chuyến về nguồn. Mấy khi hữu duyên thiên lý… hai “in” một trong một chuyến đi xa. Tôi đang bận việc gia đình ở TPHCM nên bay thẳng ra Vinh. Anh Phạm Minh Thông đánh xe từ Đà Nẵng ra đón tôi đi Hà Nội.

Và chúng tôi đã về đình ngoại Thanh Liệt dâng hương Ngài Thượng Thuỷ tổ Phạm Tu trước lúc đến nhà hàng bánh tôm Hồ Tây dự họp mặt kỷ niệm 10 năm. Cuộc vui chưa tàn, nhưng 17h chúng tôi phải bái biệt, tranh thủ chạy vào Thanh Hoá nghỉ đêm, rút ngắn chặng đường để sáng mai, 17-5, kịp có mặt ở Làng Sen.

Tháng 5, thành phố Đỏ tràn ngập hoa phượng đỏ; sen nở hồng khắp Làng Sen, Làng Chùa, chúng tôi hoà trong dòng người tấp nập hành hương về quê hương Bác Hồ kính yêu.


   Cây đa trong khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh


Tôi trở về Quê Bác Làng Sen
Ôi hoa sen đẹp của bùn đen
Làng quen như thể quê chung vậy
Mấy dãy ao chua mảnh đất phèn


Từ Làng Sen về thành phố Vinh, qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi, chúng tôi ghi lại được những câu chuyện cảm động về nghĩa tình sâu nặng của Bác Hồ với quê hương xứ Nghệ. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc ba mẩu chuyện nhỏ mà có thể bạn chưa biết, hoặc chưa biết xuất xứ của câu chuyện từng được nghe kể.




Nghệ An "nhà choa"!

Lần ấy, Bác về thăm quê. Đông đủ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bí thư các huyện được gặp Bác. Mở đầu cuộc gặp gỡ, Bác hỏi:

- Đây là Nghệ An "nhà choa" cả phải không?

Đồng chí Nguyễn Sĩ Quế, lúc ấy là Chủ tịch UBHC tỉnh, đứng dậy:

- Thưa Bác, ở đây có các đồng chí Tỉnh uỷ viên, Bí thư các huyện, một số Chủ nhiệm HTX và đội trưởng sản xuất tiêu biểu ạ!

Bác lại hỏi: Nam Liên có ai đi đây không?

- Thưa Bác không ạ! - Đồng chí Nguyễn Sĩ Quế trả lời.

Bác ấp bàn tay lên ngực như để tự giới thiệu:

- Nam Liên có Bác đây rồi.

Cả phòng họp cùng cười vui rộn ràng.
Sa Nam trên chợ dưới đò

Có lần, đồng chí Nguyễn Sĩ Quế được gặp Bác tại nhà đồng chí Nguyễn Duy Trinh, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Bác hỏi: Thị trấn Sa Nam bây giờ thế nào rồi chú?

Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Sĩ Quế trả lời, Bác mỉn cười thật đôn hậu rồi đọc câu ca dao ngày trước: Sa Nam trên chợ dưới đò... Bác ngậm ngùi quay sang hỏi đồng chí Nguyễn Duy Trinh: Câu gì tiếp theo câu đó chú Trinh nhỉ? Biết là Bác kiểm tra mình, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đọc ngay: Bánh đúc hai dãy thịt bò mê thiên (mê: tiếng địa phương có nghĩa là rất nhiều. Mê thiên có nghĩa là đầy trời - người viết)

Bác và mọi người cùng cười, không ngờ là Bác nhớ kĩ và nhớ lâu đến thế. Rồi Bác lại hỏi: Chú Quế, các món ấy bây giờ có còn nhiều không?

- Thưa Bác! Bánh đúc và thịt bò còn ít nhưng cảnh trên chợ dưới đò thì vẫn nhộn nhịp như xưa.

Bác bảo với mọi người: Ngày xưa ở đó buôn bán tấp nập lắm...


Sa Nam trên chợ dưới đò…

Ai biết "nác" sông Lam...

Lần ấy, Đoàn văn công Quân khu 4 được vào Phủ Chủ tịch phục vụ Bác và các đồng chí trung ương. Chị Minh Huệ, một diễn viên của đoàn, kể lại: Nghe tôi hát xong bài ví đò đưa: Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì mới biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh... Bác bảo: Ở Nghệ An người ta gọi là nác chứ không phải là nước mô. Rồi Bác hỏi Mai Tư: Cháu có biết hát phường vải không?

Biết ngày xưa thân mẫu của Bác, bà Hoàng Thị Loan, và cô em gái Hoàng Thị An là cây hát phường vải nổi tiếng trong vùng, nên Mai Tư thưa: Dạ thưa Bác, có ạ! Bác bảo Mai Tư chọn một câu mà các cụ ngày xưa thường hay hát. Mai Tư lúng túng: Dạ thưa, cháu biết hát phường vải nhưng không biết lời cũ ạ! Bác bảo: Thì cháu lấy câu ni để bắt đầu nhé: Khuyên ai chớ lấy học trò... và cháu tiếp lời đi. Mai Tư rụt rè: Dạ thưa Bác, có phải là Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm không ạ ? Bác gật đầu.

Hát theo lối phường vải xong câu ca dao đó Mai Tư lại dừng. Bác bảo: Cháu hát tiếp câu thứ hai đi. Mai Tư lại lúng túng. Bác nhắc:



Lưng dài có võng đòn khiêng

Aó dài đã có lụa hồng vua ban

Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục…

Thuyền em lên thác xuống ghềnh

Nước non là nghĩa là tình… ai ơi!

Mỗi chúng ta, ai ai cũng thấm thía về những lời Bác dạy và sự quan tâm của Bác đối với quê hương xứ sở. Những ai có may mắn được gặp Bác, được nghe Bác trò chuyện lại càng hết sức cảm động. Cảm động từ những cử chỉ, những kỷ niệm, những lời nói rất mực đời thường nhưng đã thể hiện cả một quá trình khổ công rèn luyện và hình thành nhân cách cao cả của bản thân mình.

Phạm Hữu Thanh Tùng

Phạm Minh Thông

MỘT BÔNG HOA TRONG VƯỜN HOA ANH HÙNG

MỘT BÔNG HOA TRONG VƯỜN HOA ANH HÙNG

Phạm Minh Thông



PHẦN THỨ NHẤT

CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ BỌN TAY SAI CỦA ĐẾ QUỐC PHÁP.



Ngày 19 tháng 8 năm 2005, toàn thể nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Điện Minh tổ chức trọng thể lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng.

Rứa là, sau 75 năm, kiên trì đấu tranh trực diện với hai kẻ thù cướp nước là Thực dân pháp, Đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước cho ngoại bang, giành độc lập, tự do, góp phần cùng toàn dân và quân cả nước đuổi hết giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi của quê hương, thống nhất đất nước. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Điện Minh đã chứng minh được khí phách anh hùng, lòng yêu nước, yêu quê hương, trung thành với sự nghiệp giải phóng dân tộc, với đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của chính Đảng quang vinh - Đảng Cộng sản Việt Nam, tấm huân chương: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” được Đảng và Nhà nước phong tặng đã chứng minh nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Điện Minh là một vườn hoa anh hùng trong rừng hoa anh hùng của huyện Điện Bàn, của tỉnh Quảng Nam, cũng nước Việt Nam anh hùng.

Ngược dòng lịch sử đấu tranh Cách mạng của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Điện Minh chúng ta cùng nhau đi tìm những bông hoa đẹp trong Vườn hoa anh hùng đó.

Ngày 17-2-1946 Hội đồng nhân dân xã Điện Minh được thành lập do nhân dân bầu cử công khai. Hội đồng nhân dân đã bầu ra Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, cử các chức danh trong Mặt trận Việt Minh - cử người phụ trách các mặt công tác như Liên Việt, Dân Vận, Nông Dân, Phụ Nữ, Thanh Niên... Một chi bộ Đảng Cộng sản trong toàn xã được thành lập, lấy tên là Chi bộ Huỳnh Dung gồm 3 đồng chí : Một trong 3 đảng viên Cộng sản đầu tiên trong Chi bộ Huỳnh Dung là đồng chí Nguyễn Tấn Minh, chồng của nữ du kích Nguyễn Thị Cận. Lực lượng vũ trang đầu tiên của xã lấy tên là: “Lực lượng liên quan” gồm : dân quân, du kích, công an, tự vệ chiến đấu là những nam nữ thanh niên khoẻ mạnh trong xã. Cặp đôi nòng cốt của lực lượng liên quân chiến đấu của xã cộng hoà lúc bấy giờ (Điện Minh ngày nay) là Nguyễn Thị Cận và Huỳnh Tấn Minh.

Có chính quyền, có lực lượng vũ trang, có đảng lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân xã Cộng hoà (tức xã Điện Minh bây giờ) bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp và bọn tay sai bán nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi mặt trận phòng thủ ở đồn Mang Cá bị vỡ, nhân dân các xã phía Bắc sông Thu Bồn trong đó có xã Cộng Hoà, Trực Tiến... tạm thời lánh nạn vào phía nam sông Ghu Bồn. Có sự hướng dẫn của Uỷ ban kháng chiến xã Cộng Hoà. Được tiếp sức từ chiến dịch Thu Đông 1947 ở chiến trường Việt Bắc và Quảng Nam, chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp thất bị hoàn toàn, buộc chúng phải thay đổi bằng chiến lược “Đánh lâu dài, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” ra sức dồn dân, bình định, bắt lính, đôn quân, thực hiện chính sách “lấy người Việt để đánh người Việt”. Trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng sau cuộc tiến công với qui mô lớn của thực dân Pháp vượt sông Thu Bòn nhằm chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thất bại. Buộc chúng phải dừng lại ở phía Bắc sông Thu Bồn ra Đà Nẵng để chiếm đóng lâu dài. Quân Pháp chia vùng chiếm đóng này thành 5 Tiểu khu chiếm đóng. Điện Bàn nằm trong Tiểu khu phía Nam. Chúng chia Tiểu khu phía Nam thành 5 chi khu gồm: Hội An, Bà Rén, Thanh Quýt, Vĩnh Điện, Ái Nghĩa. Trung tâm chỉ huy đặt tại Vĩnh Điện. Vĩnh Điện nằm trong xã Cộng Hoà (Một bộ phận của xã Điện Minh sau này). Tiểu khu phía Nam còn gọi là Tiểu khu Vĩnh Điện. Nơi đây, quân Pháp bố trí lực lượng gồm bán Lữ đoàn Lê dương số 13 (13cBLE) có 1000 quân và 500 quân nguỵ chiếm giữ, trên 10 chốt điểm : Đồn lớn ở Trung tâm Vĩnh Điện; khu vực Nhà máy nước Cả Hoan, Trường tỉnh nhà xã Bảy, Cống Ông Đá, Cầu Câu Lâu - Diên Bình, Ngũ Giáp, Bình Long, Đông Lý. Trong các chốt điểm đều có hầm nhốt người. Tại Trung tâm Vĩnh Điện chúng còn xây dựng 2 nhà lao, đặc biệt thực dân Pháp xây dựng ở Vĩnh Điện một hầm chứa acid để thủ tiêu cán bộ, du kích bằng cách giết không đổ máu. Nhà lao để giam giữ, tra tấn, đàn áp những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước.

Vĩnh Điện, thuộc xã Cộng Hoà còn là trung tâm chỉ huy của Nguỵ quân, nguỵ quyền, tay sai, thám báo của thực dân Pháp; nơi tập trung trú ngụ của bọn Tổng vệ, Hương vệ, chỉ điểm của cơ quan mật vụ Pháp.

Đứng trước tình hình đó, Huyện uỷ Điện Ban chủ trương cho dân hồi cư và xây dựng phát triển lực lượng kháng chiến trong vùng địch chiếm đóng.

Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ Điện Bàn, Uỷ ban kháng chiến hành chính xã phân công cán bộ, du kích về trụ bám với nhân dân, vận động, gây dựng lại cơ sở cách mạng ở xóm, làng, củng cố lại các đoàn thể, xây dựng lại mạng lưới cộng tác viên công an, quân báo, binh vận, địch vận. Thành lập lại Ban Chỉ huy xã đội Dân quân, Ban trật tự, an ninh du kích xã. Đồng chí Nguyễn Tấn Minh - chồng nữ du kích Nguyễn Thị Cận với danh nghĩa là Uỷ viên quân sự thuộc Uỷ ban kháng chiến - hành chính, Trưởng ban Tự vệ xã Cộng hoà. Đặc trách khu Vĩnh Điện đã cùng Ban Chỉ huy xã đội Dân quân xã Cộng hoà trực tiếp chỉ huy Trung đội du kích tập trung gồm 25 người, trong đó có nữ du kích Nguyễn Thị Cận ra sức đánh địch, đẩy mạnh diệt tề, trừ gian, bao vây kinh tế địch, bảo vệ địa bàn đứng chân, bảo vệ nhân dân. Lực lượng dân quân du kích và công an xung phong của xã đã sử dụng dao găm, mã tấu, lựu đạn tập kích diệt hai tên tề đầu sỏ đang họp bàn kế hoạch lập tề ở thôn Uất Luỹ (quê nhà của nữ du kích Nguyễn Thị Cận); La Qua, Khúc Luỹ. Trận đánh mở đầu phong trào diệt ác, trừ gian trong xã. Uỷ ban kháng chiến hành chánh xã in truyền đơn, viết thư kêu gọi giao cho các nữ du kích chủ chốt đảm nhiệm vận động, lôi kéo bọn tề, nguỵ có tư tưởng cầu an, lưng chừng ở các Ban Tề; La Qua, Khuất Luỹ, Uất Luỹ, An Quán, Phú Triêm, cả Ban Hương Vệ, Tổng Vệ để làm việc cho cách mạng, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn của các nữ du kích do chị Nguyễn Thị Cận chỉ huy, hướng dẫn, lôi kéo, vận động, giác ngộ số anh em đang làm việc cho các ban tề, nguỵ ban ngày, ban đêm làm việc cho chính quyền cách mạng, vừa vận động, vừa tổ chức tiêu diệt những tên đầu sỏ, ác ôn, đứng đầu các ban tề, Tổng vệ, hương vệ để củng cố cơ sở ta trong lòng địch. Chị Nguyễn Thị Cận bằng sự khéo léo của mình đã nắm được âm mưu, thủ đoạn của quân Pháp và tay sai sắp sử dụng lực lượng càn quét, lùng sục, đánh phá hầu hết các làng để dồn bắt hàng trăm đồng bào ta ở các xã Cộng Hoà, Trực Tiến, Tân Phương về giam giữ ở các nhà lao tại Vĩnh Điện. Hội An để cho tên chỉ điểm tay sai Dương Đình Lâm để nhận mặt từng người dân, chỉ ra ai là du kích, công an, lực lượng vũ trang xã.

Nhận được báo cáo của nữ du kích Nguyễn Thị Cận, đồng chí Nguyễn Tấn Minh (chồng nữ du kích Nguyễn Thị Cận) cùng Ban chỉ huy xã đội và an ninh Huyện đột nhập vào Trung tâm Tề, Nguỵ tại Vĩnh Điện đêm 26/10/1947 bắt và tiêu diệt nhiều tên tề, nguỵ trong đó có tên Dương Đình Lâm ác ôn, chỉ điểm. Kết hợp việc tiêu diệt các tên ác ôn của đội vũ trang, nữ du kích Nguyễn Thị Cận cùng các chị em trong đội du kích xã xã Cộng Hoà rải truyền đơn, bắt loa tuyên truyền để gây tiếng vang trong vùng địch tạm kiểm soát, giọng kêu gọi của nữ du kích trong đêm làm thức tỉnh lương tâm của bọn tề, nguỵ làm địch hoang mang, lo sợ. Sau trận tập kích chớp nhoáng này đã phá tan âm mưu bắt hàng trăm đồng bào ta ở chung quanh Vĩnh Điện, Hội An về giam giữ. Đồng thời, làm cho một số tên trong tổ chức Tổng vệ, Hương vệ giác ngộ, tìm cách bắt liên lạc với lực lượng cách mạng, nhận làm cơ sở trong lòng địch cho đội du kích xã và bộ đội ta, Tuy có thuận lợi, song Vĩnh Điện là trung tâm chỉ huy của quân Pháp chiếm đóng và tay sai, là nơi xuất phát của các lực lượng đi càn quét, gây tội ác của địa bàn chung quanh, nên chúng tập trung nhiều lực lượng và phương tiện để lùng sục, đánh phá phong trào chiến tranh nhân dân của ta, bảo vệ an toàn cho bên trong nội bộ chúng.

Đã làm thất bại âm mưu và thủ đoạn mới của địch, Mặt trận Việt Minh; Uỷ ban kháng chiến Hành chính của xã, lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang, đội du kích, đội an ninh chuyển sang phương thức hoạt động bí mật, cơ quan tạm lánh ra các xã bạn, bố trí những cán bộ, đảng viên trung kiên về trụ bám địa bàn xã, bám sát dân để xây dựng, củng cố các đoàn thể cứu quốc, vận động nhân dân đấu tranh chống địch bắt thanh niên đi lính đánh thuê, tạo thế làm chủ trong vùng địch chiếm đóng. Nữ du kích Nguyễn Thị Cận là một trong những đảng viên cộng sản trung kiên được chi bộ giao nhiệm vụ ở lại cùng xóm làng, gia đình chăm lo mẹ già và nuôi con. Chồng chị, anh Nguyễn Tấn Minh phải cùng đội du kích ban ngày tạm lánh ra xã bạn Điện Nam, ban đêm về bám địch, bảo vệ cho cán bộ Việt Minh tuyên truyền chính sách của Việt Minh trong dân chúng.

Qua chiến đấu và lãnh đạo kháng chiến, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã Cộng Hoà lấy tên là chi bộ Huỳnh Dung đã trưởng thành. Chi bộ đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân vào mặt trận Liên Việt. Có đảng lãnh đạo, lực lượng trí thức, thân hào, nhân sĩ, chức sắc tôn giáo ở Phước Kiều, Vĩnh Điện, La Qua, Khúc Luỹ cùng tích cực tham gia mặt trận.

Năm 1948, thực hiện chủ trương hợp nhất cấp xã của Chính phủ, 3 xã Cộng Hoà, Trực Tiến, Tân Phương nhập lại thành một xã lấy tên là xã Điện Minh, chi bộ Huỳnh Dung cùng chi bộ Tân Phương nhập lại thành Đảng bộ lấy tên là chi bộ Nguyễn Cứ. Lúc này, đồng chí Nguyễn Tấn Minh được cử làm xã đội trưởng Dân quân - Du kích (bao gồm các lực lượng vũ trang) xã Điện Minh, nữ dân quân - đảng viên Nguyễn Thị Cận - vợ đ/c Nguyễn Tấn Minh được cử làm Trưởng ban Phụ nữ dân quân du kích xã. Nữ dân quân du kích xã Điện Minh là một bộ phận trong lực lượng vũ trang của nhân dân xã Điện Minh có nhiệm vụ phát huy, vận dụng đặc tính nữ du kích, lập kế hoạch, tạo phương pháp đánh địch riêng của nữ du kích trong lực lượng vũ trang nhân dân. Từ đó, đồng chí Nguyễn Thị Cận lãnh đạo chị em nữ du kích xã sử dụng mọi hình thức chiến đấu phù hợp với nữ du kích để tiêu hao lực lượng địch, trong điều kiện có thể tiêu diệt lực lượng địch, góp phần cùng toàn dân và lực lượng vũ trang trong xã giữ vững địa bàn chiến đấu, củng cố tinh thần của nhân dân, nắm dân trong lòng địch, ngày càng hiệu quả, trong thế trận chiến tranh nhân dân. Đầu năm 1949, thực hiện chủ trương Tổng phá tề của Trung ương Đảng, cùng với lực lượng vũ trang toàn xã, tích cực phối hợp các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện liên tục tiến công bộ máy Tề, Điệp ở Vĩnh Điện. Tính đến giữa năm 1949 các lực lượng vũ trang Điện Minh trong đó có lực lượng nữ du kích do Nguyễn Thị Cận chỉ huy đã tiêu diệt và giải tán 122 tên tề trong 11 Ban Tề xã. 1 Ban tổng vệ; 5 Ban hương vệ trong đó có tên Phó lý Đỗ Thưởng ác ôn, làm vô hiệu hoá bộ máy Tề, trấn áp, tiêu diệt những tên ác ôn. Do đó cả xã chỉ còn 8 tên tề nằm cố thủ trong đồn bót, không còn dám hung hăng, tàn ác như trước. Cũng trong đợt phá Tề này nhân dân Điện Minh mà nòng cốt là lực lượng nữ du kích do Nguyễn Thị Cận chỉ huy phá tan hàng rào do bọn phản động đội lốt tôn giáo bắt giáo dân Phước Kiều dựng lên nhằm chống lại chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết toàn dân của lực lượng kháng chiến.

Phát huy thắng lợi trong đợt tổng phá tề, du kích xã đã phục kích đánh quân Pháp trên đoạn đường Vĩnh Điện - Điện Bình loại khỏi vòng chiến đấu 20 tên. Phối hợp với du kích Điện Nam, Điện Ngọc chống giặc Pháp càn quét vào vùng Đông của huyện Điện Bàn diệt hàng trăm tên, phục kích trên đường Vĩnh Điện - Hội An đoạn từ Lùm Mắm đến Cống Ông Đá, hoặc từ Cống Ông Đá - xuống Hội An diệt 30 tên nguỵ. Phối hợp với Tiểu đoàn 29 chủ lực huyện Điện Bàn dựa vào các địa hình hiểm trở để phục kích tiêu diệt 30 tên địch tại Võng Đông, Lai Nghi, Cây Sợp, Cống Kiểm Chí thu nhiều vũ khí. Pháo kích vào đồn Việt Binh Đoàn, dùng địa lôi chôn ven đường số 1 ngang qua đình làng La Qua, khi quân Pháp ngang qua, du kích kích địa lôi nổ làm sát thương hoặc tiêu diệt chúng. Đốt phá chợ Vĩnh Điện, Nhà Thông tin của địch. Khi quân chủ lực huyện rút đi, du kích xã tổ chức chiến đấu độc lập, đội nữ du kích do đồng chí Nguyễn Thị Cận chỉ huy, phát huy sáng kiến của chồng (anh Nguyễn Tấn Minh xã đội trưởng) dùng xe bò (xe ba gác) tháo càng kéo phía trước, chặt chuối cây gác trên xe, dùng lọ nghẹ bôi đen đầu cây chuối làm sáng đại bác giả, cho anh em du kích bò sát sau gầm xe đẩy xe chạy từ từ trên đường quốc lộ 1, đoạn từ Điện Bình ra Vĩnh Điện. Cách từng đoạn cho anh em du kích khác men theo bờ tre, vườn chuối của nhà dân ném lựu đạn nổ trên mặt đường Quốc lộ 1. Bọn địch trên tháp canh ngã ba Vĩnh Điện - Hội An, nhìn thấy lựu đạn nổ phía trước xe bò, trên gác 1 khúc cây chuối đen ngòm, tưởng là đại bác của quân chủ lực Việt Minh đánh vào Vĩnh Điện, chúng hoảng sợ bỏ bốt canh tháo chạy vào trung tâm Vĩnh Điện làm hoang mang trong lòng địch.

Đông xuân 1949- 1950, Khu uỷ và Bộ tư lệnh quân khu 5 tập trung lực lượng mở chiến dịch “Võ Nguyên Giáp”, lực lượng chủ công của chiến dịch gồm Trung đoàn 210 Chủ lực của Liên khu và bộ đội địa phương tỉnh, huyện. Du kích Điện Minh phối hợp với chủ lực trong chiến dịch này bằng trận mở màn đánh giao thông địch tại Ngọc Tam, Phong Nhị, phá huỷ 4 xe quân sự, diệt một trung đội lính Pháp. Tại Điện Minh đầu 11/1949, được cơ sở nội ứng cung cấp tình hình, du kích tập trung xã cùng với công an, trong đó có đội du kích nữ Nguyễn Thị Cận phối hợp làm nhiệm vụ cấp cứu những người bị thương, đã tập kích tiêu diệt đồn Tổng Vệ ở Ngã Ba Vĩnh Điện, bắt sống 16 tên, thu toàn bộ vũ khí, tiếp đến tiến công bót Hương Vệ ở La Qua, giải tán 75 tên Hương vệ, bắt tên mật thám phòng nhì Pháp, thu nhiều vũ khí tài liệu. Trận đánh này do xã đội trưởng dân quân tập trung xã Nguyễn Tấn Minh chỉ huy, có sự phối hợp của đội nữ du kích Nguyễn Thị Cận. Bộ đội chủ lực tỉnh và địa phương huyện liên tục tiến công vào Vĩnh Điện, Điện Bình, Câu Lâu bằng pháo binh, kết hợp với bộ binh trong từng trận có điều kiện thuận lợi. Pháo kích liên tục làm địch đồn trú trong các công sự hoang mang. Dân quân du kích Điện Minh có điều kiện tiếp cận sát các đồn bót chung quanh Vĩnh Điện, Điện Bình để bắn tỉa, bắn bia làm cho địch không dám chui ra khỏi lô cốt bằng bê tông, du kích còn dùng mìn đánh phá giao thông, phá huỷ 2 xe quân sự của địch trên đoạn đường Vĩnh Điện - Lai Nghi, Đội du kích nữ Nguyễn Thị Cận vận động nhân dân dùng rơm rạ khô cỏ, rác đốt thành màn khói nguỵ trang trận địa, che mắt phi pháo địch, dùng chiêng, trống, mỏ, phèng la đánh liên tục tạo âm thanh làm náo động xóm làng, làm cho trinh sát, thám báo địch hoang mang không biết quân chủ lực Việt Minh ở đâu, trận địa nào là chính. Hình thức chiến tranh do du kích địa phương Điện Minh mà chủ yếu là nữ tạo ra như vậy đã chi phối được lực lượng địch, giúp cho quân chủ lực ta tiêu diệt một đoàn xe quân sự của Pháp 14 chiếc tại Gò Phật (Thanh Quýt), các hình thức hoạt động của đội nữ du kích Nguyễn Thị Cận như vậy đã hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của toàn xã, toàn huyện. Đội nữ du kích là lực lượng nòng cốt chính trị, binh vận, rải truyền đơn, dùng loa kêu gọi, viết thư gửi gia đình lính địch, vận động lính địch đào rã ngũ 26 lính nguỵ. Làm cho tinh thần quân viễn chinh Pháp hoang mang, tay sai hoảng sợ, cố thủ trong đồn bót, không dám tổ chức càn quét đánh phá làng quê liên tục như trước nữa.

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu vũ trang trực diện với địch, Đội nữ du kích Nguyễn Thị Cận còn là hành lang buôn bán hàng hoá giữa vùng tự do và bị chiếm, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho kháng chiến như thuốc chữa bệnh, văn phòng phẩm, xe đạp, phụ tùng... dần dần tạo thành đường dây liên lạc từ đầu mối chợ Được, tiên Đoả dọc theo sông Trường Giang - Thăng Bình ra sông Thu Bồn, đến bến xe Đôi, ra Gò Sài - Cống Đá, Cẩm Sa, Tứ Câu đến vùng Hoà Vang - Đà Nẵng. Hành lang giao thương nầy không chỉ làm nhiệm vụ buôn bán hàng hoá, nhu yếu phẩm mà còn là hành lang vận chuyển vũ khí, đạn dược, cơ động lực lượng chiến đấu của bộ đội, du kích, cán bộ từ nơi này đến nơi khác. Chị em nữ du kích đóng vai trò chủ yếu.

Lực lượng du kích xã còn tổ chức sản xuất lương thực mà chủ yếu là trồng lúa nước trên các cánh đồng Quảng Lăng, Cổ Lưu, Gò Đá, Lai Nghi, Triêm Đông, để cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ cho lực lượng kháng chiến. Chị em nữ du kích vẫn là người đảm nhận vai trò chủ yếu cho các hoạt động này. Tuy nhiên, quân Pháp và tay sai cũng không từ bỏ dã tâm đánh phá nguồn tiếp tế lương thực lâu dài của lực lượng kháng chiến bằng cách không cho máy nước của Cả Hoan (Vĩnh Điện) hoạt động, cung cấp nước cho vùng lúa của nhân dân xen lẫn lúa của du kích Điện Minh trên đồng ruộng Quảng Lăng, Cổ Lưu và chúng kiểm soát chặt chẽ không cho dân đi lại mua máy móc, phụ kiện, phục vụ cho máy bơm nước, cho tăng giá sản xuất lương thực, chị em du kích lại trực diện đấu tranh với địch đòi cấp giấy thông hành để được đi lại giữa vùng địch chiếm đóng và không chiếm đóng được để mua than củi, phụ tùng máy móc phục vụ cho máy bơm nước. Nhờ đó, các máy nước của ông Nguyễn Nho Bổng ở thôn 1, máy nước ở Thanh Chiêm, Gò Đình, Mỹ Á đều được hoạt động bình thường xuyên, phần lớn ruộng đất đều được sản phẩm hai vụ, dân có lương thực hăng hái đóng góp vào hủ gạo nuôi quân, hủ gạo kháng chiến, hủ gạo tiết kiệm.

Quân Pháp và tay sai huy động lực lượng, càn quét vào địa bàn hoạt động của xã nhằm tìm diệt các cơ quan, và cán bộ du kích xã. Không bắt được cán bộ du kích lại điên cuồng tàn sát nhân dân, bắt, đánh đập, tra tấn giết hàng chục người dân tại chỗ, hãm hiếp hàng chục phụ nữ, cướp trâu bò và nhiều tài sản khác của nhân dân. Điển hình và man rợ nhất là đêm 15/12/1949 quân Pháp từ Vĩnh Điện lùng sục vào thôn Triêm Đông bắn chết 15 người dân vô tội, ném xác xuống sông, xuống giếng, ném xác vào nhà rồi thiêu đốt nhà. Thi thể các nạn nhân được bà con làng xóm đem về mai táng tại Gò Triêm Bản và dựng bia căm thù. Ngày 18/3/1950 lính Lê dương, Com-man-đô ở cầu Bà Rén, Câu Lâu càn quét bao vây thông Khương Đông, tìm bắt cán bộ, du kích không bắt được ai chúng tức tối bắt bà Dương Thị Đảng mẹ đồng chí Trần Huynh - Đảng uỷ viên kiêm xã Đội trưởng (thay đồng chí Nguyễn Tấn Minh chồng nữ du kích Nguyễn Thị Cận được Huyện đội Điện Bàn về công tác tại huyện), đem về tra tấn dã man rồi bắn chết tại cây đa ông Xích. Chúng bắt mẹ chồng, chị chồng nữ du kích Nguyễn Thị Cận tra tấn, bắt chỉ hầm bí mật, chỉ nơi che dấu cán bộ, du kích nhưng đều thất bại. Hành động dã man của địch cùng làm cho nhân dân ta căm thù sâu sắc hơn và quyết tâm kháng chiến đến cùng.

Bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường, nhất là trong chiến dịch biên giới của quân và dân ta (tháng 10/1950). Quân Pháp trên toàn Đông Dương rơi vào thế bị động chiến lược, đối phó, ngày càng bị động trên các chiến trường trong toàn quốc. Tại Quảng Nam, quân Pháp tăng cường phòng thủ Nam - Bắc sông Thu Bồn, sông Cẩm Lệ, Tiểu khu Hội An, Vĩnh Điện và các tuyến đường giao thông huyết mạch. Tăng cường lực lượng nguỵ quân, phát triển củng cố bộ máy nguỵ quyền tay sai như : Hội đồng hương chính, Lực lượng tự vệ, Nghĩa dũng đoàn ở xã, thôn để làm nòng cốt thực hiện chính sách chiêu an, bình định, bắt lính, đôn quân.

Quá trình chiêu an, bình định, quân Pháp và tay sai chia xã, thôn thành từng khu, vùng nhỏ để nắm dân, chia dân ra từng loại để thanh lọc, kiểm soát, kiềm kẹp. Tăng cường lùng sục, bắt giam, tra tấn, thủ tiêu cán bộ du kích, cơ sở cách mạng. Kết hợp đánh phá, chúng xây dựng mạng lưới gián điệp, chỉ điểm, chủ yếu là bọn phản động đội lốt tôn giáo ở Phước Kiều, Vĩnh Điện, thực hiện âm mưu chống phá Cách mạng. Điển hình là vụ Trần Tuỳ, là tên tay sai phản động dẫn quân Pháp và tay sai về khui hầm bí mật ở Triêm Đông, bắt 21 cán bộ và du kích xã về nhà lao Hội An tra tấn, đồng chí Dương Châu đấu tranh đến hơi thở cuối cùng, hy sinh anh dũng trong nhà lao, nhiều người bị địch đánh đập gây thương tật, khi về đến nhà thị bị chết. Đây là tổn thất nặng nề nhất của xã Điện Minh kể từ khi bộ máy hành chính, quân sự xã về đứng chân hoạt động ngay trên mảnh đất quê hương, bám dân xây dựng chính quyền cách mạng. Đội nữ du kích Nguyễn Thị Cận phân tán, rút vào bám trụ trong lòng dân, hoạt động hợp pháp trong lòng địch, chung sống với dân, với gia đình, che chở bằng hầm bí mật và các hình thức trá hình khác để đấu tranh với địch, giữ vững tinh thần cách mạng của nhân dân.

Tháng 7/1950 quân Pháp ở Vĩnh Điện tăng cường và sử dụng lực lượng đóng ở đồn Đông Lý tiến hành càn quét, để gỡ thế bị động trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, âm mưu của chúng là phá nát phong trào kháng chiến ở phía nam xã Điện Minh, cắt đứt hành lang vận chuyển giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do, bảo vệ mặt phía tây Hội An và phía nam quận lị Điện Bàn. Tập trung lực lượng liên tục càn quét, tìm kiếm cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của xã Điện Minh. Nhưng âm mưu của chúng hoàn toàn thất bại.

Để gỡ thế bị động, quân Pháp và bọn tay sai âm mưu những bước phiêu lưu mới. Trung ương Đảng chủ trương “Gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị để chuyển mạnh sang thế phản công với khẩu hiệu, tất cả cho tuyên truyền, tất cả để chiến thắng”. Quán triệt tinh thần của Trung ương huyện uỷ và Uỷ ban kháng chiến huyện Điện Bàn chủ trương khẩn trương xây dựng phát triển lực lượng vũ trang địa phương, củng cố các căn cứ du kích : Điện Quang, Điện Tiến, Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương, mở rộng bàn đạp du kích chung quanh đồn bốt địch, chung quanh quận lị, tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực huyện, tỉnh trong phản công địch giành thắng lợi cuối cùng.

Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ, Đảng bộ xã Điện Minh họp 3 ngày tại nhà ông Trùm Lang (Điện Dương) để kiểm điểm, đánh giá tình hình, đề ra phương hướng nhiệm vụ mới, củng cố lực lượng lãnh đạo, chiến đấu từ xã đến thôn. Sau cuộc họp, toàn xã Điện Minh có 10 chi bộ, Đảng bộ chủ trương đưa cán bộ có năng lực về thôn, ngày đêm bám đất, bám dân, nuôi dưỡng phong trào kháng chiến, làm thất bại, mọi âm mưu, thủ đoạn chính trị, kinh tế, quân sự của Pháp và tay sai. Du kích cùng dân quân, công an, đặc biệt là nữ du kích đẩy mạnh các hoạt động diệt tề, trừ gian, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân trong xã. Đồng chí Nguyễn Thị Cận về thôn Uất Luỹ hoạt động hợp pháp trong lòng dân, kết hợp nuôi dưỡng mẹ chồng và con cùng bà con trong thôn xã.

Trên cơ sở được tổ chức Đảng phân công, giao trách nhiệm, đồng chí Nguyễn Thị Cận cùng các đồng chí Trần Huynh, Lê Ngọc Thung, Lê Thương, Đỗ Diệu v.v... không ngại khó khăn gian khổ, hy sinh mất mát, ngày đêm lặn lội, bám đất, bám dân để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, đẩy mạnh các hoạt động cách mạng thu được nhiều thắng lợi, nhất là trong kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, làm thất bại chính sách chiêu an, bình định của địch. Mặc dù bọn địch củng cố các Ban Tề, nhưng trong đấu tranh binh vận, địch vận các nữ du kích đã biết khéo léo vận dụng những đối tượng là tề, nguỵ cũ đã được giáo dục, cải tạo trước đây đã có người nhận làm cơ sở cách mạng cho lực lượng kháng chiến. Cùng với chị em chị Nguyễn Thị Cận, đã chỉ đạo xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến trong đồn địch như : Câu Lâu, Điện Bình, Vĩnh Điện, Đông Lý, La Qua. Những cơ sở nội tuyến này thường xuyên cung cấp nhiều tin tức có giá trị cho lực lượng kháng chiến để Đảng uỷ, Uỷ ban kháng chiến kịp thời có chủ trương đối phó. Điển hình như anh Soong, thôn Trung Phú, anh Sum ở xóm Bầu Ấu, ông Châu ở Đông Khương, những gia đình này đã đào hầm bí mật ở trong nhà nuôi dấu cán bộ, du kích trong nhà, trong vườn, hầm đào ở những nơi giặc Pháp và tay sai không ngờ tới như : chuồng trâu bò, ngay ở cổng bước vào sân, ở hàng tre già ven bờ ao v.v... có người như Lý trưởng Triêm đông đứng ra bảo lãnh số trâu bò của nhân dân xã Điện Nam đưa sang để địch không cướp đi. Xã Sum Lý Trưởng La Qua đứng ra bảo lãnh cán bộ, du kích bị địch đắt cho là con, em trong họ để chúng không nghi ngờ thả ra. Có nữ du kích như chị Mai Thị Trương ở Điện Bình trong đội nữ du kích Nguyễn Thị Cận bị địch bắt tra tấn dã man, bắt chỉ hầm bí mật, chị cương quyết không khai báo, chúng đem chị ra Cầu treo ở làng La Qua bắn chết.

Phối hợp với quân chủ lực địa phương, lực lượng kháng chiến xã đã vừa sản xuất, cung cấp lương thực, vừa đấu tranh vũ trang trong lòng địch, Năm 1951 - 1952 dân quân du kích xã liên tục đánh địch trên khắp địa bàn. Tiêu biểu nhất là trận đánh phục kích diệt 12 tên lính Lê Dương tại Cống Đá, thu một trung liên và một số súng trường Mas, phá huỷ 1 xe. Nữ du kích Nguyễn Thị Cận là người chỉ huy trận phục kích này khi chị tập hợp lực lượng nữ du kích đã phân tán trong thôn, làng, phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương Huyện. Hai lần tiến công, đột phá trại tập trung của địch ở Đông Lý, Khuất Luỹ, tiêu diệt gọn mâm tề ở đây, trong đó có Trần Ẩm - Lý trưởng, Trần Diệt - Phó lý ác ôn khét tiếng, bắt sống nhiều tên. Lực lượng nữ du kích cải trang tiến công đồn Điện Bình giữa ban ngày, diệt hàng chục tên, thu 6 súng, số sống sót đã lội sông bơi sang Gò Nỗi. Tiến công tiêu diệt bót gác trước nhà thờ công giáo Vĩnh Điện giữa ban ngày. Ba lần sử dụng lực lượng phục kích quân Pháp và nguỵ cơ động trên đoạn đường Vĩnh Điện - Câu Lâu, thu hàng chục súng.

Để giành được những thắng lợi trên đây, Đảng bộ và lực lượng vũ trang xã Điện Minh phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hy sinh tổn thất. Năm 1951 - 1952 đã có 60 cán bộ, du kích hy sinh, hàng trăm người dân bị giết hại, tù đày. Tiêu biểu như đồng chí Dương Châu du kích tập trung, đột nhập vào nhà làm việc của Hội đồng Tề Đông Lý giữa ban ngày, diệt nhiều tên Tề, nguỵ và đồng chí đã hy sinh anh dũng. Ngoài ra còn có các đồng chí Lê Lương, thôn 3, Trần Tuất thôn 5, Lê Nghiệm thôn 4, Huỳnh Mãn, Võ Lặt, Lê Thắng, Đỗ Cảng, Dương Sưa và em Nguyễn Tự (liên lạc) là những chiến sĩ du kích gan dạ, hy sinh vì dân vì Đảng.

Từ đầu năm 1952 đến 21/7/1954 gia đình nữ du kích Nguyễn Thị Cận có một biến cố mới. Chồng của chị là anh Nguyễn Tấn Minh, xã đội trưởng dân quân xã Điện Minh được Huyện đội Điện Bàn điều động về công tác Huyện đội trong một chuyến đi công tác từ Điện Tiến, vượt qua quốc lộ 1 ở đoạn Thanh Quýt để chỉ đạo công tác quân sự ở các xã Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Minh bị địch phục kích bắn bị thương, phải vào vùng tự do điều trị vết thương. trận.Tại quê nhà Điện Minh người đội trưởng nữ du kích xã vừa đảm đương công việc nuôi con, nuôi mẹ chồng ở tuổi già, vừa phải lãnh đạo phong trào phụ nữ du kích xã, tham gia vào công cuộc kháng chiến cứu quốc ngày càng thu được thẳng lợi lớn trên khắp các mặt

Cuộc kháng chiến của quân và dân ta đang trên đà thắng lợi, thì ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Ngày 10/8/1954 tại các vùng của xã, Cấp uỷ, chính quyền xã, thôn tổ chức các cuộc Mít ting chào mừng thẳng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và phổ biến những điều khoản cơ bản của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tâm tư tình cảm của nhân dân trong xã rất phấn khởi, tự hào, nhưng cũng hết sức hoang mang, suy nghĩ. Địa bàn xã từ một vùng có hai chính quyền, hai quân đội, nay phải tạm thời giao cho đối phương kiểm soát, chờ hiệp thương tổng tuyển cử, liệu đối phương có trả thù những người kháng chiến cũ hay không ? Đây là vấn đề gay go phức tạp cũng là thử thách to lớn đối với người dân nói chung, người nữ đảng viên du kích Nguyễn Thị Cận nói riêng, khi một nách hai con, 2 gia đình, 2 mẹ già, chồng là thương binh trong kháng chiến chống Pháp và là 1 chiến sĩ Cộng sản kiên cường trong quá trình đấu tranh chống chính quyền tay sai Pháp. Đây quả thật là một cuộc thử thách to lớn đối với cuộc đấu tranh sắp tới. Chồng của nữ du kích Nguyễn Thị Cận - đồng chí Nguyễn Tấn Minh thương binh và là cán bộ kháng chiến phải đi tập kết ra Bắc.

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giờ đây người nữ đảng viên Cộng sản - du kích Nguyễn Thị Cận còn phải đương đầu chịu sự thống trị, bóc lột của chủ nghĩa thực dân mới, do Đế Quốc Mỹ áp đặt, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân còn phải tiếp tục, để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc mới thoát khỏi sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trong thời đại mới.



PHẦN THỨ HAI

CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ VÀ CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN ĐỂ THỐNG NHẤT NƯỚC VIỆT NAM

Thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ, cuối tháng 8/1954 lực lượng kháng chiến của ta không còn trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Tấn Minh vừa là thương binh, vừa là đảng viên Cộng sản, không thể ở lại trong vùng Mỹ và Nguỵ quyền Sài Gòn kiểm soát được. Cấp trên yêu cầu đồng chí Minh phải tập kết ra miền Bắc. Đội trưởng nữ du kích Điện Minh - Nguyễn Thị Cận được tổ chức phân công ở lại, bám dân, sống hợp pháp cùng gia đình nuôi con, nuôi mẹ chồng, đồng thời làm nhiệm vụ hướng dẫn nhân dân, lãnh đạo quần chúng thực thi nhiệm vụ mới: đấu tranh với chính quyền Sài Gòn và đế quốc Mỹ buộc chúng thực thi Hiệp định Giơ-Ne-Vơ, thống nhất đất nước.

Ở Điện Bàn, ngay trong những ngày đầu thi hành Hiệp định Giơ-Ne-Vơ, bọn tay sai phản động tập trung lực lượng phá hoại hiệp định, đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân. Trương Xuân Phong, Hồ Quang Ánh là những tên ác ôn chỉ huy lính Việt Binh Đoàn, Nghĩa Dũng Đoàn huyện Điện Bàn dẫn quân đến tàn sát hàng loạt cán bộ và dân thường ở Hà Mật, Cẩm Lậu, Bảo An, Viêm Tây và một số thôn khác của Huyện. Hành động của chúng mang tính phi nghĩa, tàn bạo, trắng trợn vi phạm hiệp định, nhân dân ghê tởm, tăng thêm sự hận thù trong các tầng lớp nhân dân.

Khu hành chính Vĩnh Điện nằm trung tâm quận, bao bọc chi khu quận lỵ, nơi tập trung nhiều lực lượng, cơ quan đầu não của các đảng phái phản động của quận Điện Bàn, nơi xuất phát các lực lượng và phương tiện đi đánh phá, đàn áp phong trào cách mạng trong Huyện.

Điện Minh nằm giữa khu Hành chính Vĩnh Điện. do đó bọn Chi khu ra sức xây dựng bộ máy nguỵ quân, nguỵ quyền dày đặc. Đổi tên các làng cũ thành xã Vĩnh Xương, Hội đồng Hương chính do Phạm Tuyết làm xã trưởng, Phạm Thi là xã phó, Phân chi cảnh sát do Phạm Cương làm phân chi trưởng, Phạm Thông làm phân chi phó, Nguyễn Đình Nhung làm bí thư Quốc dân đảng, ngoài ra còn có Phạm Tấn, Lương Sưa là những tên ác ôn khét tiếng tra tấn, giết người không thương tiếc. Chúng thành lập Ban Hương chính thôn, ấp, tổ chức Tam Ngũ Liên gia. Chúng lập “Đoàn công vụ”, “Đoàn bình trị”. Tổ chức mạng lưới mật vụ, an ninh, chỉ điểm dày đặc. Thành lập đội dân vệ, Đội thanh niên chiến đấu. Xây dựng, khôi phục lại hệ thống đồn, bót, lô cốt, trận địa hoả lực, sân bay dã chiến, nhà tù, trại giam v.v... nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của đến quốc Mỹ.

Giữa tháng 7/1954, Ban chấp hành trung ương Đảng khoá II họp hội nghị lần thứ 6 xác định: “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, hiện đang trở thành kẻ thù trực tiếp nguy hiểm của nhân dân Đông Dương”. Quán triệt Nghị quyết của Trung ương và Khu uỷ khu 5, cuối tháng 7/1954 Tỉnh uỷ Quảng Nam Đà Nẵng chỉ đạo các ngành, các cấp, khẩn trương tổ chức học tập, giới thiệu các điều kiện của Hiệp định Giơ-Ne-Vơ và tình hình gay go, phức tạp mới cho cán bộ, đảng viên làm cơ sở đấu tranh với đối phương. Đồng thời nhanh chóng sắp xếp lại tổ chức, củng cố lại cấp uỷ, chi bộ, chuẩn bị tinh thần, lực lượng cho cuộc đấu tranh mới.

Ngày 15/8/1954 dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng huyện Điện Bàn, Cấp uỷ xã Điện Minh sắp xếp lại các Chi bộ, phân công Đảng viên đảm nhiệm vai trò lãnh đạo mới trong các Chi bộ Đảng. Toàn xã thành lập mới 5 chi bộ đảng Cộng sản, đồng chí nữ Đội trưởng Nguyễn Thị Cận được phân công làm Bí thư chi bộ 2. Hơn 120 đồng chí là cán bộ, đảng viên và du kích được sắp xếp ở lại với gia đình làm ăn, sinh sống hợp pháp, bí mật tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới. Mỹ, Nguỵ Sài Gòn đã bắt đầu truy lùng, bắt bớ. Nhưng đa số cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng vẫn kiên trì trụ bám, lãnh đạo nhân dân, củng cố tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân, đòi thi hành Hiệp định Giơ-Ne-Vơ, đấu tranh chống đàn áp, khủng bố, tôn trọng quyền dân chủ, dân sinh, đấu tranh chống đàn áp, khủng bố. Dựa vào thế mạnh của phụ nữ, nữ đồng chí Cận tổ chức đấu tranh với kẻ địch bằng nhiều hình thức linh hoạt như viết truyền đơn, kiến nghị, lấy chữ ký để gửi đến các cơ quan nguỵ quyền Sài Gòn và Uỷ ban Liên hiệp đình chiến, tổ chức từng nhóm, từng đoàn phối hợp cùng nhân dân các xã trong huyện kéo đến nơi làm việc của bọn nguỵ quyền tay sai quận lỵ, tỉnh lỵ ở Hội An và Đà Nẵng để đấu tranh.

Tuy nhiên, diễn biến tình hình ngày càng phức tạp, căng thẳng, nhân dân không có chính quyền của chính mình công khai hợp pháp, Mỹ và bọn tay sai phản động, vừa ra sức củng cố bộ máy nguỵ quyền, vừa tăng cường đánh phá cơ sở cách mạng. Một số cán bộ, đảng viên bị lộ, bị địch bắt. Một số khác bối rối, hoang mang. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng chủ trương củng cố lại Chi bộ đảng, chỉ để lại địa phương một số cán bộ trụ bám vì không hoặc chưa bị lộ diện, còn các đồng chí khác phải chuyển vùng công tác hoặc tập kết ra Bắc. Bí thư chi bộ 2 Nguyễn Thị Cận một lần nữa được tổ chức đảng quyết định ở lại bám trú, bám dân, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương trực diện đấu tranh với Mỹ, Nguỵ Sài Gòn bằng tinh thần, mưu trí của người Cộng sản. Chồng đi ra bắc vì là thương binh và bị lộ. Con còn rất nhỏ, không còn những đồng chí có kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, có sức khoẻ, mưu trí bên cạnh mình. Nữ đảng viên Nguyễn Thị Cận với cương vị là Bí thư chi bộ cơ sở đảng phải tự xoay xở, đấu lý, đấu trí với quân thù bằng tinh thần cộng sản, không có quân đội và chính quyền trong tay. Khôn khéo, trước tình hình Mỹ-Diệm củng cố chính quyền nguỵ, đồng chí vận động, tranh thủ đưa cơ sở cách mạng của ta vào bộ máy nguỵ quyền xã, thôn của Mỹ-Diệm, tạo thế hoạt động từ trong lòng địch của cách mạng về lâu dài phòng khi Mỹ- nguỵ Sài Gòn quyết tâm phá Hiệp định Giơ-Ne-Vơ, không Hiệp thương tổng tuyển cử sau 2 năm như Hiệp định Giơ-Ne-Vơ đã quy định.

Thật vậy, sau hai năm ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-Ne-Vơ thực hiện chia cắt lâu dài đất nước ta, bộ máy cai trì theo chính sách thực dân kiểu Mỹ, bọn nguỵ quyền Sài Gòn đã tập trung lực lượng tiến hành quốc sách “tố cộng, diệt cộng” nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam nói chung, phong trào cách mạng ở Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, trong đó có phong trào cách mạng nơi quê hương của nữ Bí thư chi bộ Đảng cộng sản nằm vùng Nguyễn Thị Cận.

Nhận biết trách nhiệm và bổn phận lớn lao mà tổ chức đảng và gia đình (chồng con) trao cho mình trong lúc này. Đồng chí Nguyễn Thị Cận thu mình lại như con hổ dũng mãnh trong hang sâu, giữa rừng sâu. Hang sâu là gia đình và rừng sâu là quần chúng nhân dân. Ngày đêm thu mình trong hang, giữa rừng, nhưng nữ Bí thư đảng Cộng sản trong vùng Mỹ, nguỵ kiểm soát vẫn đón nhận thường xuyên những tia nắng của mặt trời từ phương Bắc xa xôi - nơi có Trung ương Đảng, có Bác Hồ, có bóng dáng của người chồng thân yêu (anh Nguyễn Tấn Minh) ngày đêm chiếu dọi. Niềm tin vững chắc vào sự thắng lợi cuối cùng của Cách mạng Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã giúp cho nữ đồng chí Cân vững lòng. vững bước trước những thử thách đầy chông gai, gian khổ, đòi hỏi phải hy sinh cả tính mạng.

Nhận thấy âm mưu “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ- nguỵ Sài Gòn là hết sức thâm độc, xảo quyệt với các biện pháp và kế hoạch tinh vi như: tiến hành lâu dài, từng bước, triệt để, tổ chức từ Trung ương đến tận địa phương xã, thôn, liên gia làm đơn vị cơ sở. Khẩu hiệu hành động của chúng là: “Giết lầm hơn bỏ sót”, “Tố cộng là yêu nước”, “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Với kế hoạch, biện pháp, âm mưu, thủ đoạn như vậy, chúng đã kích động tâm lý chống cộng, tập trung học tập, bắt buộc mọi người (cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, anh em, bà con hàng xóm) tố giác lẫn nhau, không phân biệt huyết thống, đạo lý, họ tộc, gia đình. Ra sức truy lùng, bắt giam, tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ, buộc đầu thú, ly khai, xé cờ Đảng, bức hại, thủ tiêu với nhiều hình thức man rợ, tàn bạo.

Tháng 5-1957 Mỹ-Diệm đưa ra sắc lệnh “Đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”. Tháng 10.1959 chúng đề ra luật 10/59 dùng máy chém, lưỡi lê, giết hại, thủ tiêu cộng sản không cần xét xử. Mở hàng loạt các chiến dịch đánh phá vào các địa bàn kháng chiến cũ, đánh vào các tổ chức cơ sở đảng, nhằm đào tận gốc, bốc tận rễ các mầm mống cộng sản.

Thời gian này, ở Điện Minh hầu hết các chi bộ đảng đều bị vỡ. Tháng 4-1957 Mỹ- Nguỵ lùng sục, bắt hơn 100 cán bộ, đảng viên cơ sở cách mạng của xã để tra tấn, giết hại, cầm tù Nhà lao Hội An, Vĩnh Điện. Đình Làng La Qua, nhà thờ Tộc Phan là nơi bọn nguỵ quyền Sài Gòn dùng để tra tấn, giam giữ, mở các lớp học tố cộng, tra tấn, đánh đập cơ sở cách mạng. Thâm độc nhất là chúng bắt giam những gia đình có người thân đi kháng chiến, đi tập kết ra miền Bắc, phải đi học tố cộng, phải “Sám hối”, “Tống Tà cộng sản”, đốt cháy bàn chân, bàn tay, còn chị em phụ nữ thì chúng dùng dây điện đặt vào đầu vú, cửa mình, rồi châm điện cho nhiều người phải chết đi sống lại nhiều lần, gây tâm lý hoang mang, dao động trong nhân dân. Chúng bắt chị em phụ nữ có chồng đi tập kết ra Bắc phải viết đơn li dị, bắt làm vợ lẽ cho chúng, hoặc bị hãm hiếp, tù đày. Người dân Điện Minh, nhất là dân gần chi khu, nhà lao Vĩnh Điện. Hằng ngày luôn chứng kiến cảnh bọn ác ôn tra tấn giết hại hàng chục cán bộ, đảng viên, rồi đem chôn chung từng hầm ở các khu vực xung quanh.

Trước tình hình Mỹ- nguỵ Sài Gòn đánh phá cơ sở cách mạng ác liệt như vậy, nữ Bí thư chi bộ Cộng sản Nguyễn Thị Cận, theo lời kể của đồng chí Phạm Ít, một trong ba đảng viên của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông dương đầu tiên của xã Cộng Hoà 1946, nay là xã Điện Minh, hiện sống ở phố Nguyễn Công Trứ, Đà Nẵng kể lại: Nguyễn Thị Cận, hoá trang giả làm người điên, mà phải điên như thật, đầu bờm tóc rối, mặt mũi bôi đất bùn, lọ nghẹ, đứng gần đã nghe mùi hôi thối, mặc quần áo rách nát, nói năng bậy bạ, chửi đổng lên trời. Rú lên những âm thanh hoảng loạn. Có lần bọn tề nguỵ tay sai của nguỵ quyền Sài Gòn cho rằng đ/c Nguyễn Thị Cận của chúng ta giả vờ điên. Chúng đón bắt đồng chí Cận đang giả điên đi giữa đồng mã trắng, cởi hết quần áo, đồng chí Cận không những không rụt rè (chỉ cần một cử chỉ hay thái độ rụt rè là chúng biết ngay là điên giả) mà còn tụt hết áo quần, hốt phân trâu vừa mới ỉa từng đống trên đường, hốt bùn dưới ruộng, kéo bông bèo, gốc rạ quấn vào người, bôi đầy mình, mặt. Thâm độc hơn chúng lấy phân người trộn với phân trâu bắt đ/c Cận phải ăn trước mặt chúng, bắt uống nước đái của chúng đái ra pha với nước vũng trâu nằm. Đồng chí Cận đúng là người điên thật hớp ngay ngụm nước chúng bắt người dân đưa tận miệng, ngậm rồi phun ra tung toé, cười nói huyên thuyên, mùi hôi thối không chịu được, Một thắng trong bọn lính nguỵ nói:

- Con này điên thật.

Đồng chí Cận lại la khóc bù lu, bù loa, kêu mẹ già kêu cha, kêu con, kêu chồng thảm thiết, lăn ra giữa cánh đồng ruộng mạ, bất tỉnh.

Thấy vậy, Cò Bảy Nhẫn, Chị Năm Nga, Cô Ba Nên nhào theo chị Cận lôi lên bờ ruộng, khi thân thể chị Cận trần truồng không mảnh vải che thân, bê bết bùn đất, phân trâu, phân người. Các bà hét to :

- Các người vừa phải thôi. Ai cũng là người đầu đen máu đỏ, con Cận nó tội tình gì, nó điên, nó dại, một nách 3 con dại, hai mẹ già chồng bỏ nhà đi biệt tăm ở đâu không ai biết. Nó điên từ lâu nay, cả xóm, cả làng Uất Luỹ, Trung Phú, La Qua này ai mà không biết. Sao các người ác thế. Trời ơi là trời...

Bọn ác ôn tay sai cho Mỹ nguỵ Sài Gòn thấy vậy bỏ đi. Chị Cận lại về với nhân dân, với xóm làng, cùng chị em bám trụ. Một lần nữa nữ đồng chí Nguyễn Thị Cận lại giấu được mình, che mắt kẻ thù, lại tiếp tục hoạt động, móc nối cơ sở, liên lạc với cấp trên, củng cố các tổ chức hình thành một chi bộ mới cũng do đồng chí Nguyễn Thị Cận làm bí thư: Chi bộ lần này có các đồng chí nữ như Nguyễn Thị Nhẫn, Nguyễn Thị Nên, Trần Thị Nga kiên trì bám trụ tại địa phương, tiếp tục hoạt động xây dựng lại cơ sở cách mạng của xã Điện Minh do đồng chí Nguyễn Thị Cận làm bí thư. Chi bộ được hình thành trong tình thế hết sức khó khăn, phức tạp, nhận lấy trách nhiệm nặng nề trước đảng và nhân dân. Những cán bộ, đảng viên của Chi bộ đa số là nữ, bị địch theo dõi, nhưng vẫn giữ vững lập trường, kiên trì trụ bám, làm hạt nhân lãnh đạo, xây dựng và phát triển lực lượng, từng bước khôi phục phong trào. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào cách mạng của xã Điện Minh.

Tháng 5-1061, Mỹ quyết định thay đổi chiến lược chiến tranh ở Việt Nam sang “Chiến lược chiến tranh đặc biệt”. Đây là bước theo thang đầy nguy hiểm. Từ 6-1961 đến 12-1962, các phái đoàn Quân sự Mỹ thúc giục chính quyền nguỵ Sài Gòn phải tiến hành gấp rút, lập xong ấp chiến lược, bình định trên toàn miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 xuống phải xong trong vòng 18 tháng. Huyện Điện Bàn là một trọng điểm lấy ấp chiến lược, Mỹ nguỵ dự kiến xây dựng 140 ấp chiến lược/30 xã, thị trấn Điện Minh, nguỵ quân, nguỵ quyền bắt dân làm mỗi thôn một ấp chiến lược, ngoài ra còn tăng cường hệ thống phòng ngự chung quanh cơ quan, hội đồng xã Vĩnh Xương, nằm tại đình làng La Qua. Ấp chiến lược làm xong, ban đêm chúng bắt gia đình kháng chiến vào ngủ tập trung bên trong để kiểm soát, không để liên lạc quan hệ cán bộ. Bắt buộc mỗi gia đình phải mua sắm gậy, dây, đèn gió, bọc đá, thùng thiếc để sẵn sàng vây bắt cán bộ du kích về hoạt động.

Bình định, lập ấp chiến lược là một âm mưu, thủ đoạn thâm độc của Mỹ, nguỵ Sài Gòn. Thực chất là một chính sách mị dân, giả tạo, lúc đầu gây ra một số khó khăn cho phong trào cách mạng nói chung, của xã Điện Minh nói riêng, nhất là việc bám dân, phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, liên lạc với cấp trên có lúc gián đoạn.

Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Chi bộ xã Điện Minh do đồng chí Nguyễn Thị Cận đứng đầu chỉ còn các đồng chí nữ, các đồng chí nam hoặc bị địch bắt, hoặc phải chuyển vùng hoạt động, theo chỉ thị của Huyện uỷ Điện Bàn. Kẻ thù âm mưu dồn dân, dồn cán bộ kháng chiến hằng đêm phải vào đồn lính nguỵ ngủ, chị chủ trương cho đảng viên phân tán bằng cách dùng thẻ tuỳ thân giả, luôn thay đổi nơi ở cho người nhà đến gần tối khai báo với Liên gia trưởng (tay sai của nguỵ quyền) là đi làm nơi khác hoặc thăm bà con lúc bên nội, lúc bên ngoại, lúc ốm đau... để tránh không lộ diện trước bọn chỉ điểm lần vào trong dân bị tập trung. Thường xuyên chị phải sống trong các hầm bí mật, được dân che chở. Ẩn mình để nắm được dân, vận động họ, tuyên truyền chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương của Đảng, móc nối cơ sở, tích trữ lực lượng, đón thời cơ nổi dậy, diệt ác, phá kèm, đập tan các ấp chiến lược của Mỹ nguỵ. Sống trong vùng Nguỵ quân, nguỵ quyền kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng các đảng viên trong chi bộ xã Điện Minh vẫn đi lại hoạt động xây dựng phát triển nhiều cơ sở nòng cốt. Tiêu biểu như gia đình ông giáo Đinh ở Đông Định, chị Đặng Thị Nên, Đặng Thị Tính ở Trung Phú. Đặc biệt gia đình của nữ bí thư Nguyễn Thị Cận và con gái Nguyễn Thị Tùng ở Uất Luỹ. Đã đào hầm bí mật, nuôi dấu bảo vệ cán bộ, nhiều lần bị địch bắt cầm tù, tra tấn nhưng không khai báo, giữ vững lập trường đấu tranh, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân.

Ngày 1/11/1963 được Mỹ hậu thuẩn, các tướng, tá nguỵ Sài Gòn làm đảo chính giết hại anh em Diệm-Nhu. Từ đó chế độ tay sai của Mỹ ở Sài Gòn ngày càng khủng hoảng trầm trọng hơn. Chỉ trong 18 tháng, kể từ cuộc đảo chính tháng 11/1963, đã có 14 cuộc đảo chính, phản đảo chính diễn ra ở Miền Nam. 6 chính phủ thay nhau lên nắm chính quyền”. Nắm chắc diễn biến tình hình nội bộ của Mỹ nguỵ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu. Quân và dân miền Nam khắp nơi đẩy mạnh phong trào đồng khởi giải phóng quê hương, làng xã.

Tháng 10/1964, sau khi đồng khởi giải phóng các xã vùng cát. Đội công tác của Huyện uỷ Điện Bàn và một số du kích xã Điện Nam bí mật đột nhập vào các thôn : Triêm Đông, Triêm Trung (xã Điện Phương), Uất Luỹ, Trung Phú, Tân Mỹ (Điện Minh) để bắt liên lạc, móc nối với cơ sở đảng của Chi bộ do nữ đồng chí Nguyễn Thị Cận làm bí thư, hợp lực, nhanh chóng phát triển lực lượng, củng cố tổ chức, đoàn thể cách mạng, xây dựng công sự, hầm bí mật, buồng kín hai lớp phênh, gác xếp, chuẩn bị căn cứ, bàn đạp cho cán bộ, du kích về đứng chân hoạt động. Đồng chí Lê Đình Ất, cán bộ xã Điện Nam thường xuyên cải trang thành người đi mua heo, mua tre, đột nhập vào cơ sở ở Triêm Đông, Uất Luỹ bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Thị Cận để nắm tình hình địch hoạt động ở xã Điện Minh. Lúc này Huyện uỷ Điện Bàn cũng điều động bổ sung cho chi bộ của đồng chí Cận (cả Vĩnh Điện) thêm cán bộ lãnh đạo ưu tú, dày dạn kinh nghiệm chỉ đạo phong trào vùng ven. Trong số này có đồng chí Phạm Ít cán bộ Nông hội hiện còn đang sống ở phố Nguyễn Công Trứ, Đà Nẵng. Cùng với đồng chí Cận củng cố chi bộ đảng, đội công tác vũ trang tuyên truyền ở các vùng ven Điện Minh và Vĩnh Điện.

Mặc dù lúc này nguỵ quân, nguỵ quyền ở khu Vĩnh Điện tăng cường lùng sục, kèm cặp, giám sát từng người dân, nhất là các đối tượng gia đình có người tham gia kháng chiến cũ, cơ sở hợp pháp, nhưng nhân dân ở thôn Uất Luỹ, Trung Phú, Bồng Lai, La Qua, có sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng do đồng chí Nguyễn Thị Cận làm bí thư vẫn giữ vững lập trường đấu tranh, nhiều gia đình trước nhà treo khẩu hiểu: “Nhà tôi không chấp chứa cộng sản”, nhưng trong nhà vẫn có hầm bí mật, buồng kín, gác xếp, nuôi dấu, bảo vệ cán bộ, đảng viên, du kích. Nòng cốt là gia đình đồng chí Nguyễn Thị Cận, Mai Thị Ái, Mai Thị Tính, Nguyễn Thị Nên, Lê Khoá ở Uất Luỹ, Trung Phú. Chi bộ do đồng chí Cận làm bí thư, cùng với đội công tác, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cơ sở ở các thôn Bồng Lai, Khúc Luỹ, Tân Mỹ theo phương pháp “Ba Ba nứt nhánh”. Đặc biệt chi bộ đồng chí Cận đã xây dựng được nhiều cơ sở nòng cốt trong thanh niên học sinh ở trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu, phát triển tiếp thu nhiều tư tưởng cách mạng tiến bộ như Phạm Nhị, Đinh Cao Thắng, Phạm Đãi, Trần Huynh Bút... Hai con của nữ đồng chí Nguyễn Thị Cận và Nguyễn Tấn Minh là Lê Minh Sơn và Nguyễn Thị Tùng. Lúc này, đồng chí Nguyễn Tấn Minh đang ở miền Bắc, đội công tác của xã được tăng cường thêm những cán bộ trẻ, giác ngộ cách mạng trung kiên và dũng cảm.

Thu Đông 1964, cao trào đồng khởi phá ấp chiến lược trong toàn huyện phát triển mạnh mẽ, bộ máy nguỵ quyền, nguỵ quân xã thôn, ấp ở xung quanh Điện Minh bị tiêu diệt và tan rã, lực lượng còn lại co cụm về các chi khu, quận lỵ, chi bộ xã Điện Minh có 7 đảng viên do đ/c Nguyễn Thị Cận làm bí thư, đồng chí Lương Chi làm phó bí thư lãnh đạo các đội công tác tăng cường các hoạt động vũ trang tuyên truyền như rải truyền đơn, dán áp phích, treo cờ mặt trận dân tộc giải phóng rao loa binh vận, vận động thanh niên Phật tử xuống đường tham gia đấu tranh chống đàn áp Phật giáo, chống “Hiến chương Vũng Tàu” của Nguyễn Khánh Thủ tướng nguỵ quyền ký với Mỹ. Chi bộ, đảng viên lãnh đạo các đội công tác, vận động nhân dân, trước hết là gia đình, người thân tham gia đóng góp quĩ đảm phụ nuôi quân, lương thực, thuốc men để nuôi dấu cán bộ, du kích, vận động hàng chục thanh niên thoát ly, nhờ đó phong trào phát triển, thực lực cách mạng tăng lên, tạo điều kiện củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và đội công tác xã.

Đầu năm 1965, giữa lúc Mỹ nguỵ đối phó lúng túng, bị động, Bộ tư lệnh Quân khu 5 mở đợt hoạt động tác chiến Xuân Hè 1865. Trên chiến trường Quảng Đà, Tỉnh uỷ - Ban Chỉ huy tỉnh Đội chủ trương mở chiến dịch Nguyễn Văn Trổi xuân 1965. Đồng chí Nguyễn Hồng Thăng, thường vụ huyện uỷ phụ trách chỉ đạo đồng khởi các xã vùng “V” gồm Điện Minh, Điện Thành, Điện Châu và Điện Hưng. Đêm 14 rạng ngày 15/2/1965, Chiến dịch mở màn được chi viện của các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh và huyện, các đội công tác và nhân dân Gò Nổi đồng loạt tiến công và nổi dậy đồng khởi giải phóng 6 xã Gò Nổi. Ở Điện Minh do đặc điểm tình hình và tương quan lực lượng địch tăng lên gấp nhiều lần. do đó, Điện Minh không thể đồng khởi như các xã, mà hoạt động chủ yếu của Chi bộ Đảng và đội công tác là đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, nắm chắc tình hình địch, củng cố, phát triển địa bàn làm chủ. Chuẩn bị lực lượng, lượng thực, thực phẩm, hầm bí mật phục vụ cho cán bộ cấp trên về đứng chân hoạt động và bộ đội, du kích về mở các trận đánh vào chi khu, quận lỵ. Từ khi Diệm Nhu chết, Mỹ can thiệp sâu vào chiến tranh xâm lược, thực dân kiểu mới kiên quyết, không từ một thủ đoạn nào nhằm tiêu diệt cho được phong trào cách mạng ở Miền Nam bằng phương pháp tố cộng, diệt cộng, bình lập, lập ấp chiến lược, chia cắt lâu dài đất nước ta, gây ra biết bao nhiêu tội ác đối với cách mạng và nhân dân ta.

Ở Điện Minh, trong tố cộng, diệt cộng hầu hết các chi bộ đều bị Mỹ ngụy đánh phá ác liệt và tan vỡ, đứt liên lạc với cấp trên. Chúng ráo riết truuy lùng, bắt giam tra tấn hầu hết cán bộ đảng viên của các chi bộ và cơ sở cách mạng, thân nhân gia đình kháng chiến, giết hại, thủ tiêu, đánh đập tàn phế hàng trăm người.

Bất chấp mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, Đảng bộ và nhân dân Điện Minh trong đó có chi bộ đảng do đồng chí Nguyễn Thị Cận làm bí thư, đứng chân trên thôn Uất Lũy quê nhà, hoạt động các thôn lân cận như : Trung Phú, La Qua. Chị tìm mọi phương thức ẩn náu, giữ mình, nuôi con để hoạt động trong lòng dân. Khi kẻ địch ráo riết hoạt động, chị lánh mình sang vùng khác đi làm thuê, ở mướn ở vùng quê lạ người dân không biết tông tích chị. Ở Điện Minh nhiều bọn tề, ngụy biết chị Cận là cơ sở cách mạng, thông qua tổ chức cơ sở đảng ở Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn chị được bà con ở những nơi nầy nhận cho làm thuê, ở mướn trong nhà ở. Nhà có đức tính hiền lành, trung thực, sống hòa đồng với mọi tầng lớp nhân dân, chị Cận không những được bà con tại quê nhà che giấu, bảo vệ mà đến nơi nào chị cũng được dân tin yêu, che chở. Mặc dù có lúc bị địch bắt tra tấn dã man, chúng dùng mọi thủ đoạn để tra tấn chị Cận như : Treo ngược hai chân lên xà nhà tại đình làng La Qua, đổ nước xà phòng vào mũi vào miệng, đóng đinh lên các đầu ngón tay, bắt rắn bỏ vào ống quần. Dã man, tàn nhẫn nhất là lúc chúng bắt chị tra tấn, đánh đập, bắt con trai con gái chị lúc còn nhỏ đến đứng xem chúng tra tấn mẹ. Thủ đoạn của kẻ địch dù dã man thế nào cũng không làm nao núng ý chí cách mạng kiên trung của nữ đảng viên Nguyễn Thị Cận. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời như một làn gió mới thổi vào phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Phong trào cách mạng của Điện Minh dần hồi phục. Chi bộ đảng hình thành trở lại. Đồng chí Nguyễn Thị Cận lại được cử làm bí thư. Hai người con lớn của chị Cận và anh Nguyễn Tấn Minh lúc này đã khôn lớn, được chị nuôi dưỡng cho đi học tập văn hóa ở các trường ngoài xã Điện Minh như Hội An, Quế Sơn. Các con chị theo gương chị ngày càng giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào thanh niên của địa phương. Chi bộ được hình thành trở lại. Dù kẻ địch đánh phá ác liệt, nhưng các đảng viên dưới sự lãnh đạo của chị Cận, noi gương chị Cận, giữ vững lập trường ý chí đấu tranh. Thấy rõ trách nhiệm của người đảng viên phải gánh vác sứ mệnh lịch sử của dân tộc, lãnh đạo phong trào cách mạng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, chấp nhận tù đày, hy sinh tánh mạng, đối đầu với các thế lực tay sai, phản động dù chúng có tàn bạo đến đâu. Động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh chống địch gom dân, bình định, lập ấp chiến lược. Chi bộ vừa lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch đàn áp, khủng bố, giết hại, vừa lãnh đạo xây dựng, phát triển lại cơ sở nòng cốt trong các đoàn thể cách mạng, chủ yếu là con em trong các trường học. Đặc biệt, Bí thư Nguyễn Thị Cận quan tâm lãnh đạo thành lập Chi đoàn thanh niên nhân dân cách mạng gồm những đoàn viên và thanh niên dũng cảm, trung kiên như: Phan Thị Tưởng, Đinh Cao Thắng, Trần Huỳnh Bút, Phan Xuân Tới, Phan Xuân Đây, Phan Xuân Hòa, Lê Xí.Để nêu cao tấm gương hy sinh của gia đình cách mạng Bí thư Nguyễn Thị Cận không tính toán trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, làm gương cho phong trào, đồng chí đã động viên hai người con ruột đã đến tuổi thanh niên, mang sẵn trong người dòng máu cách mạng của người cha là Nguyễn Tấn Minh lúc bấy giờ đang sống ở miền Bắc. Hai con là hai núm ruột mình cắt ra là Lê Minh Sơn (tức Huy) và Nguyễn Thị Tùng vào Đoàn thanh niên cách mạng cùng với các bạn để rèn luyện, thử thách thành những hạt nhân ưu tú để bổ sung vào lực lượng chính trị và vũ trang, hình thành đội công tác vũ trang tuyên truyền của xã. Lực lượng này có 30 đoàn viên, đảng viên, chiến si trẻ. Chị biết, rồi đây đứng trước nhiệm vụ nặng nề, cuộc chiến đấu ác liệt, các con của chị sẽ phải hy sinh khi làm nhiệm vụ, bởi sự bạo tàn của kẻ địch và khốc liệt của chiến tranh. Chị biết đưa hai đứa con của chị và anh Nguyễn Tấn Minh vào cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ địch, làm mẹ mà không che chở cho con trước đầu tên, mũi đạn của quân thù là có tội với chồng. Tấm lòng người mẹ cật vấn chị Cận như vậy. Nhưng chị không chút do dự khi phải trả lời.

- Tôi thà chịu tội với chồng chứ không thể ngăn cản ý chí cách mạng của các con tôi trước yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, đối với lớp trẻ mang dòng máu cách mạng.

Các tầng lớp thanh niên yêu nước và nhân dân trong xã nhìn gương hy sinh của gia đình nữ bí thư Đảng Nguyễn Thị Cận họ tham gia vào Đoàn thanh niên cách mạng ngày càng tự giác, càng đông. Kết hợp xây dựng lực lượng với xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương ngay giữa lòng địch. Dù thủ đoạn của kẻ địch có thâm độc đến bao nhiêu, chúng cũng không thể kiểm soát hết được số dân trong thôn, ấp, xã. Dựa vào dân, cán bộ, đảng viên vẫn trụ bám, làm chủ địa bàn, cơ sở cách mạng vẫn phát triển, tạo thế cho cán bộ, bộ đội, du kích bí mật về trú quân ở địa bàn xã để hoạt động.

Đây là một thắng lợi của Chi bộ Đảng do đồng chí Nguyễn Thị Cận làm bí thư. Thắng lợi này có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần không nhỏ cùng quân và dân ta đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy Sài Gòn, tạo điều kiện để Đảng bộ và nhân dân Điện Minh tiếp tục tiến lên, giành thắng lợi quyết định tiếp theo.

Kể từ ngày tiển chồng lên đường tập kết ra Bắc đến nay đã hơn 10 năm. Ba ngàn sáu trăm ngày đêm người phụ nữ sống xa chồng. Ba ngàn sáu trăm ngày đêm người thiếu phụ một mình nuôi ba con nhỏ, nuôi hai mẹ già, bám theo thời gian, vật lộn với ruộng đồng, mưa, nắng, cày sâu, cuốc bầm làm ra hạt gạo, củ khoai, để nuôi sống 6 con người, không có người chồng bên cạnh đã là quá sức tưởng tượng của con người. Ở đây, đối với người Đảng viên Cộng sản Nguyễn Thị Cận cũng trong khoảng thời gian đó, còn vượt lên tất cả tình cảm riêng tư, những dằng vặc nhớ thương, những gian khổ, trong lao động để chịu đựng để đối mặt, để chấp hay bất chấp tất cả những âm mưu, thủ đoạn, những hành vi man rợ, tàn khốc, không còn tính người với một chính sách thực dân kiểu mới của Đế quốc Mỹ cướp nước và bọn tay sai bán nước. Để chỉ nhằm một mục đích duy nhất là phải bằng mọi cách chiến thắng kẻ thù dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ với dân với đảng, làm tròn bổn phận với chồng với con. Đấy là những gì mà người Đảng viên Cộng sản Nguyễn Thị Cận có được.

Đêm nay, đêm rằm tháng Giêng của năm 1965, trăng trên trời vằng vặc sáng. Nằm dưới hầm bí mật, sâu trong lòng đất, không một tia sáng chị mĩm cười một mình, cái cười mãn nguyện của người mẹ thấy hai con Lê Minh Sơn và Nguyễn Thị Tùng đã trưởng thành, đã đứng vào hàng ngũ những người lính cận vệ của đội quân tiên phong của giai cấp công nhân. Rồi đây, các con của chị sẽ thay chị tiếp bước đi của người Cộng sản Nguyễn Tấn Minh chồng chị truyền lại. Chị mĩm cười một mình, nụ cười trong hầm tối của người nữ đảng viên Nguyễn Thị Cận có sức mạnh lan tỏa cả bầu trời của đêm rằm tháng giêng, sáng lên niềm tin chiến thắng tương lai để vững bước vào ngày mai đầy chông gai, đang chờ đợi phía trước.



PHẦN BA

CHIẾN THẮNG CUỘC CHIẾN TRANH CỤC BỘ THEO LỜI KÊU GỌI CỦA BÁC HỒ: “ĐÁNH CHOMỸ CÚT, ĐÁNH CHO NGUỴ NHÀO”.



Cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường của nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm phá sản kế sách “Chiến tranh đặc biệt” của Đế quốc Mỹ, làm phá sản các kế hoạch bình định, lập ấp chiến lược đi cùng với chiến thuật tác chiến bằng trực thăng vận, chiến xa vận, đẩy chế độ Sài Gòn rơi vào khủng hoảng chính trị sâu sắc. Sau cái chết anh em Diệm - Nhu năm 1963.

Trong bối cảnh đó buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh, từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”. Chủ trương của Mỹ là: Đưa quân chiến đấu của Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam. Thực hiện biện pháp “Tìm diệt và bình định” nhằm tiêu diệt các đơn vị chủ lực của quân giải phóng Miền Nam. Nghiền nát xương sống của Việt Cộng. Đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng Không quân, Hải Quân, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, đánh lừa dư luận.

Điện Minh lúc bấy giờ là địa bàn trung tâm đặt đầu não chỉ huy của Mỹ Ngụy Sài Gòn. Chúng tập trung lực lượng, phương tiện, tiến hành các cuộc càn quét trong toàn huyện Điện Bàn. Chiến dịch đồng khởi mùa Xuân 1965 của quân và dân Điện Bàn đã giải phóng hầu hết các xã ở vùng Gò Nổi. Một số gia đình ngụy quân ngụy quyền ở các xã Gò Nổi kéo đến sinh sống lưu vong ở các thôn của xã Điện Minh, vùng ven Vĩnh Điện. Đồng thời một số dân ở các xã vùng ven Vĩnh Điện, Điện Nam bị địch đánh phá, cày ủi, cùng rời bỏ xóm làng, nhà cửa chạy vào các thôn ở Điện Minh lánh nạn. Bọn ngụy quân - ngụy quyền bắt họ tập trung lại hình thành các khu dồn dân, sống tập trung ở Bồng Lai, Khúc Lũy, Bến Đá, Tân Mỹ... tạo thành một hàng rào người sống bảo vệ cho chúng. Dân số Điện Minh lúc này đột nhiên tăng lên hơn bảy ngàn người. Tình hình trong xã trở nên phức tạp hơn, đồng thời cũng mở ra thuận lợi mới, vì kẻ địch phải bỏ dần vùng chiến lược nơi hẻo lánh, địa hình phức tạp dồn dân, dồn lực lượng chiến tranh của chúng dần vào đô thị. Tạo cho quân và dân ta thế trận chiến tranh nhân dân mới để đánh thắng chiến tranh cục bộ của Mỹ-ngụy Sài Gòn.

Sau chiến dịch Nguyễn Văn Trổi (Xuân Hè 1965) của quân và dân ta ở Điện Bàn. Các thôn, ấp ở Điện Minh, chung quanh Vĩnh Điện đều trở thành địa bàn do cán bộ và du kích ta làm chủ từ 17 giờ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, tạo thành thế trận “cài răng lược”. Ngày mặc áo quốc gia, đêm thờ ma cộng sản. Phát huy thắng lợi của chiến dịch Xuân Hè 1965 - Chi bộ do nữ đảng viên Nguyễn Thị Cận làm bí thư lãnh đạo các đội công tác thanh niên du kích, công an trong xã tích cực phối hợp với bộ đội địa phương huyện, các đội công tác của trên đưa xuống, liên tục đẩy mạnh các hoạt động vũ trang tuyên truyền, phát triển nhiều cơ sở nòng cốt, hợp pháp để theo dõi nắm tình hình hoạt động của địch, phát hiện bọn tề, điệp, chỉ điểm, đưa đón cán bộ, bộ đội cải trang đột nhập vào thị trấn Vĩnh Điện, Hội An, Điện Bình... để điều tra, nguyên cứu cách bố trí đồn, bót, đóng quân của địch, vận động nhân dân góp quỹ nuôi quân, động viên thanh niên thoát ly ra vùng du kích, hoặc lên chiến khu hoạt động. Mặc dù bị địch theo dõi ráo riết, nhưng các cơ sở của chi bộ Đảng do đồng chí Nguyễn Thị Cận xây dựng được vẫn bí mật hoạt động thường xuyên, nắm chắc mọi hành động của địch, cung cấp cho cán bộ, du kích ta. Ban đêm đốt nhang, đèn làm tín hiệu “có hay không có địch” lùng sục, phục kích, gài mìn trên hướng đến hoạt động của cán bộ, du kích ta. Chị Nguyễn Thị Cận còn vận động được một số cơ sở trong bộ máy ngụy quân - ngụy quyền ở địa phương hoạt động cho ta như : Nguyễn Bá Miên, Lê Tảo, Lê Củ là những nhân viên của ngụy quyền Vĩnh Điện đã nhận làm cơ sở cho cách mạng cung cấp tình hình, âm mưu hoạt động của ngụy quân - ngụy quyền sở tại cho cán bộ Đội công tác của ta về hoạt động tại Vĩnh Điện.

Năm 1966 chi bộ đảng Cộng sản xã Điện Minh, do đồng chí Nguyễn Thị Cận làm bí thư có 15 đảng viên. Các thôn Tân Mỹ, Uất Lũy, Đông Định. Trung Phú đều có tổ đảng hoạt động hợp pháp,

Mặt trận dân tộc giải phóng do đồng chí Trần Công Thoại làm chủ tịch. Đồng chí Đinh Nhượng là Bí thư Nông hội. Đồng chí Phan Thị Tưởng làm Chủ tịch Hội Phụ nữ giải phóng. Đồng chí Đinh Cao Thắng phụ trách lực lượng an ninh vũ trang. Đoàn thanh niên nhân dân Cách mạng do đồng chí Lê Minh Sơn con trai đầu của đồng chí Nguyễn Thị Cận làm bí thư. Đoàn số của xã có trên 30 đoàn viên. Chi đội Thiếu niên do đồng chí Phan Xuân Nãi làm Chi đội trưởng.

Trừ đồng chí Nguyễn Tấn Minh đang ở miền Bắc, gia đình nữ Bí thư Nguyễn Thị Cận lúc này (1966) đang sống trong sào huyệt của quân thù gồm một mẹ (Nguyễn Thị Cận), 2 con (Lê Minh Sơn và Nguyễn Thị Tùng) đã trở thành một tổ công tác trong lòng địch. Mẹ chỉ đạo, lãnh đạo, hai con thực hiện với tinh thần của người đoàn viên thanh niên nhân dân cách mạng. Cả nhà là một tổ chiến đấu. Cấp ủy và Đội công tác Điện Minh trụ bám tại thôn Uất Lũy cũng là nơi cư trú (gác nhà) của nữ Bí thu Nguyễn Thị Cận, không ngần ngại hiểm nguy, chị lấy nhà mình đặt trạm liên lạc chung cho các đội công tác bí mật toàn vùng. Thông tin, mệnh lệnh từ đây đi các thôn trong toàn xã và thị trấn, có trạm phó, trạm trưởng phụ trách. Điển hình nhất là trạm liên lạc từ thôn Uất Lũy (đặt tại nhà chị Cận) đi thôn 6 Điện Nam lên Bồng Lai, Cẩm Đồng, Gò Nổi. Tại thôn 6 Điện Nam có một trạm giao nhận do đồng chí Đặng Thị Công làm trạm trưởng. Mọi sự liên lạc, giao nhận tài liệu, chỉ thị, mệnh lệnh, báo cáo đều thực hiện theo hai phương pháp hợp pháp và bất hợp pháp, cả ban ngày và ban đêm. Ban ngày cơ sở giao liên hợp pháp cải trang thành người đi buôn bán, người đi lao động trên đồng ruộng để đến địa điểm liên lạc hoặc đến các hòm thư “chết” đặt ở vị trí thuận lợi, an toàn.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của Chi bộ Đảng. Đội công tác vũ trang tuyên truyền của xã liên tục sử dụng lực lượng, phối hợp vơi các đơn vị bộ đội địa phương và du kích xã liên tục mở các trận tiến công vào quân địch ở chung quanh chi khu, quận lỵ. Đồng thời lãnh đạo, vận động lực lượng quần chúng đấu tranh chống địch càn quét, phá hoại nhà cửa hoa màu. Đặc biệt trong cuộc đấu tranh 76 ngày đêm (từ 10/3 đến 25/5/1966) của lực lượng ly khai thuộc Quân đoàn 1 Ngụy và các tầng lớp nhân dân ở Đà Nẵng (chủ yếu là học sinh và Phật tử) chống chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ-Ngụy. Lực lượng chính trị, binh vận của Huyện và Xã Điện Minh huy động hàng ngàn lượt người tham gia đấu tranh ủng hộ lực lượng ly khai. Vận động 2 Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 2 ngụy quân bỏ đồn, bót ở Tam Kỳ kéo ra Vĩnh Điện, Hội An, Đà Nẵng chi viện cho lực lượng ly khai chống lại bọn thủy quân lục chiến Ngụy, khi đến cây Sộp - Vĩnh Điện, bọn chỉ huy theo phe Thiệu - Kỳ dùng máy bay AD6 ném bom, bắn phá vào đội hình ly khai, làm chết và bị thương nhiều sĩ quan và binh lính ngụy. Cuộc ẩu đả của hai phe đều là ngụy quân - ngụy quyền Sài Gòn xảy ra trên địa bàn xã Điện Minh do Chi bộ phụ trách. Đồng chí Cận cùng chị em trong Chi bộ lãnh đạo, vận động nhân dân trong xã và thị trấn Vĩnh Điện, tổ chức cấp cứu anh em binh sĩ ngụy của phe nầy bị phe kia sát hại. Nhân cơ hội này cơ sở của hoạt động trong dân vận động binh lính Ngụy đào ngũ về với cách mạng hoặc chống lệnh hành quân, càn quét của cấp trên. Ngoài ra, Chi bộ còn xây dựng cơ sở nội tuyến của ta trong hàng ngũ hương vệ, ngụy quân tại chốt điểm Gò Đinh làm nội ứng cho bộ đội địa phương huyện và du kích tập trung xã Điện Minh, Điện Thành đột kích bất thường tiêu diệt Trung đội Nghĩa quân chốt giữ ở dây. Cùng với thắng lợi về chính trị và quân sự trong 76 ngày đêm phản chiến của lực lượng ly khai quân đoàn 1 Ngụy đã củng cố, động viên tinh thần kháng chiến quần chúng nhân dân trong xã dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng do đồng chí Nguyễn Thị Cận làm bí thư có các con của chị tham gia.

Trụ trên quê hương Uất Lũy, Điện Minh đồng chí Nguyễn Thị Cận bí thư cùng Chi bộ bám sát tinh thần Chỉ thị của Tỉnh ủy Quảng Nam và Huyện ủy Điện Đông xuân 1966 - 1967, đưa hết lực lượng du kích ra phía trước trực tiếp đánh địch để giữ vững thế làm chủ chiến trường để cho các đơn vị bộ đội địa phương thay phiên nhau về phía sau củng cố, huấn luyện, nâng cao trình độ chính trị và kỹ thuật tác chiến. Cấp ủy Chi bộ và đội công tác xã liên tục hoạt động vũ trang tuyên truyền, phối hợp với bộ đội địa phương đánh địch cả lúc chúng đi càn quét, dã ngoại và đồn trú trong công sự, đồn bót. Đêm 15/10/1966 dưới sự chỉ huy của Cấp ủy Chi bộ Đảng, trực tiếp là đồng chí Bí thư Nguyễn Thị Cận, đội công tác vũ trang tuyên truyền của xã do đồng chí Hà phụ trách đột nhập vào thôn Trung Phú và Uất Lũy (quê nhà của chị Cận) bắt 8 tên Quốc dân đảng đưa đi cải tạo ở hậu cứ (trong số này có người đã giác ngộ cách mạng hăng hái tham gia kháng chiến). Đêm 5/11/1966 đội công tác vũ trang của xã tập kích vào nơi trú quân của Trung đội Nghĩa quân tại chùa Tân Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 12 tên. Đội Công tác vũ trang của ta bị thương 1 người và hy sinh 9 người. Dưới sự chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, Đội công tác vũ trang xã do đồng chí Hà chỉ huy, tháng 12/1966 cùng với 1 tiểu đội bộ đội địa phương huyện tập kích cơ quan Hội đồng Hương chính xã Vĩnh Xương, tiêu diệt hàng chục tên Ngụy quân, đánh sập cơ quan ngụy quyền, buộc chúng phải bỏ địa bàn chạy ra đóng tại nhà ông Yến ở ngã ba Vĩnh Điện.

Âm thầm, lặng lẽ, mưu trí và dũng cảm Chi bộ Đảng trụ bám lãnh đạo trên địa bàn xã Điện Minh do nữ đồng chí Nguyễn Thị Cận đứng đầu, nhờ nắm sát tình hình địch, gây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến, được nhân dân sát nách địch ủng hộ, Chi bộ đã nắm được diễn biến tình hình địch hằng ngày, nắm được âm mưu địch chủ trương từng đợt đánh phá vùng du kích ta linh hoạt sáng tạo khi chấp hành chỉ thị của cấp trên. Đêm 26/12/1966 Chi bộ đã kịp thời chỉ đạo đội “Quyết tử Võ Như Hưng” và đội công tác xã Điện Minh gồm 13 đồng chí do đồng chí Hà chỉ huy, trong đội có lực lượng thanh niên nhân dân do Lê Minh Sơn con chị Cận phối hợp tác chiến đã tập kích vào Trung đội nghĩa quân của địch ở thôn Tân Mỹ, diệt hàng chục tên. Sau đó anh em bố trí trận địa phục kích đánh địch phản kích ban ngày cách chi khu quận lỵ 500 m. Đúng như dự đoán, rạng sáng ngày 27/12/1966 địch sử dụng một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ, một đại đội địa phương quân, có xe tăng, phi pháo yểm trợ, tập trung tại xóm Miếu Giáo Đinh, rồi chia làm nhiều mũi tiến công đánh vào trận địa phục kích của bộ đội và du kích ta. Do tương quan lực lượng và khí tài của ta và địch quá chênh lệch, địa hình tác chiến không thuận lợi cho ta. Dựa vào dân và công sự anh em đội chiến đấu xã đã quyết tâm đánh địch với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trận đánh diễn ra mỗi lúc một ác liệt, quân ta đã bẻ gãy nhiều đợt xung phong của địch, diệt hàng trăm tên, bắn cháy 3 xe tăng M113. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh anh dũng trong đó có đồng chí Trần Văn Súng, Đội trưởng đội Quyết tử Võ Như Hưng và đồng chí Trần Trung Hà, Đội trưởng đội Công tác xã Điện Minh. Nhiều đồng chí của ta bị thương đã được nhân dân khối 5 chăm sóc, che dấu, bảo vệ và sau đó đưa ra khỏi trận địa. Thắng lợi này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ đội Quyết tử và đội Công tác xã Điện Minh với mưu lược lãnh đạo của Chi bộ Đảng. Nhân dân rất khâm phục. Kẻ thù rất khiếp sợ. Từ những thắng lợi đó, Chi bộ tiếp tục đẩy mạnh vũ trang, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Giữa tháng 4/1967 Đội công tác xã Điện Minh đã tập kích vào đội hình địch đi dã ngoại ở gần Cửa Hậu, diệt 4 tên, thu 1 trung liên, 1 carbin và nhiều chiến lợi phẩm khác. Nữ du kích Lê Thị Pha đội viên du kích mật, cơ sở bí mật do nữ bí thư Nguyễn Thị Cận gầy dựng trong lòng địch, đã bất ngờ dùng lựu đạn tấn công vào 1 xe Jeep của Mỹ đang chạy, diệt 3 tên Mỹ, phá hỏng 1 xe ở phía bắc cầu Vĩnh Điện.

Các hoạt động vũ trang, đã tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển, lực lượng cách mạng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Chi bộ Đảng đã có biện pháp duy trì, đảm bảo cho phong trào diễn ra liên tục, thường xuyên. Đoàn thanh niên xã không chỉ bám địch mà còn tổ chức may cờ Mặt Trạn dân tộc giải phóng, viết tờ rơi, áp phích, rải truyền đơn, dán truyền đơn ở các địa bàn do địch kiểm soát.

Những thắng lợi tại xã Điện Minh dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Chi bộ Đảng do đồng chí Nguyễn Thị Cận làm Bí thư, đã góp phần vào thành tích chung của quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà, được Đại hội Liên Hoan Chiến sĩ thi đua dũng sĩ diệt Mỹ Quân khu 5 tuyên dương danh hiệu “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Thắng lợi đó đã góp phần đánh bại cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai, trong kế sách chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy Sài Gòn. Có phần đóng góp quan trọng của nhân dân, của chi bộ đảng xã Điện Minh nói chung và cá nhân nữ đồng chí Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Cận nói riêng.

Cuối năm 1967, mùa xuân 1968 quân Mỹ-Ngụy liên tiếp bị thất bại trên khắp các chiến trường, chiến lược chiến tranh cục bộ bị giẫm chân tại chỗ, binh lính chán nản chiến tranh, dư luận trong nước và thế giới lên án mạnh mẽ, nhưng bọn hiếu chiến xâm lược vẫn leo thang, chiến tranh, đánh phá ra miền Bắc. Tiếp tục tăng quân Mỹ lên hơn 1 triệu tên, trong đó có 48 vạn lính Mỹ, còn lại là lính đánh thuê từ các nước chư hầu của Mỹ, như Hàn Quốc, Philippine, v.v... Trên chiến trường Quảng Đà có 46.000 lính Mỹ và chư hầu, 34.000 lính nguỵ Sài Gòn.

Nắm chắc diễn biến tình hình, Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng (khoá III) và Quân uỷ Trung ương đề ra nghị quyết, kế hoạch phương án; chuyển cách mạng Miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi. Thời gian tiến hành vào tết Mậu Thân 1968.

Quán triệt quyết tâm chiến lược của Trung ương, Huyện uỷ Điện Bàn chủ trương đẩy mạnh công tác chuẩn bị. Trên cơ sở xác định Điện Minh, Vĩnh Điện là mục tiêu tiến công và nổi dậy trọng điểm của Huyện mà chủ yếu là Chi khu Quận lỵ. Huyện uỷ quyết định thành lập các Ban Chỉ huy đấu tranh chính trị - Ban chỉ huy chi viện tiền phương. Tổ chức lực lượng này thành Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, nòng cốt là các đoàn thể cách mạng như : Lão thành, Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên. Trang bị gậy, dây, giáo, mác, băng, cờ, khẩu hiệu... Điều động lực lượng thanh niên, du kích các xã bổ sung cho các đơn vị bộ đội địa phương huyện, thanh niên xung phong để tiến công tiêu diệt các chi khu quân lỵ. Lực lượng binh vận tổ chức hàng chục tổ nòng cốt bám sát đồn bót và lực lượng nguỵ quân vận động chúng đào rã ngũ, chống lệnh đi càn quét.

Ở Điện Minh, cấp uỷ chi bộ đảng nhận chỉ thị của huyện uỷ, đồng chí Bí thư Nguyễn Thị Cận cùng đồng đội công tác nhanh chóng xây dựng, củng cố lực lượng và thế trận. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đinh Ngọc Dũng và đại biểu nhân dân các xã đêm ngày 6 – 9 – 1967 tại thôn Trung Phú tổ chức lễ chào mừng “Đội du kích vũ trang xã trong thời kỳ tiến công và nổi dậy được thành lập”. Đội có 15 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 6 đồng chí hoạt động họp pháp do nữ bí thư Nguyễn Thị Cận đặc trách. Đội do đồng chí Phan Xuân Hoà làm đội trưởng. đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với phong trào cách mạng của xã Điện Minh. Đánh dấu một bước trưởng thành của quân và dân trong xã có sự lãnh đạo liên tục của chi bộ đảng và nữ đồng chí Nguyễn Thị Cận từ 1954 đến nay. Thành quả của một quá trình đấu tranh cách mạng ngay giữa sào huyệt và căn cứ cuối cùng của mọi thế lực thù địch ở Điện bàn. Đồng thời với sự ra mắt của Đội Du Kích vũ trang xã trong thời kỳ tiến công và nổi dậy còn là bước ngoặt chuyển phương thức hoạt động cách mạng của ta từ hợp pháp (trong bí mật) sang bất hợp pháp (ra công khai). Trong số các đội viên các đội viên du kích thoát ly ra công khai để chiến đấu trực diện với kẻ thù lần này có đồng chí Lê Minh Sơn, Nguyễn Thị Tùng là hai anh em ruột, con đẻ của nữ Bí thư Nguyễn Thị Cận và Nguyễn Tấn Minh gần như chỉ có một mình đồng chí Cận nuôi dưỡng, giáo dục, cho ăn học để ngày nay trưởng thành nối gót cha tham gia vào đội du kích công khai của xã Điện Minh đã có truyền thống chiến đấu từ năm 1946 mà hai đồng chí Nguyễn Tấn Minh và Nguyễn Thị Cần là hai cán bộ và đội viên đầu tiên của Đội.

Sự kiện “Đội du kích vũ trang” Điện Minh ra đời nhanh chóng lan truyền đến khắp thôn xóm, nhân dân khắp nơi vui mừng, phấn khởi, tin tưởng cách mạng thắng lợi, còn kẻ địch thì lo sợ, hoang mang, điên cuồng phản kích. Phản ứng đầu tiên của bọn chúng là kéo đến thôn Uất Luỹ đất nhà nữ bí thư đảng Nguyễn Thị Cận bắt, đánh đập, tra tấn mẹ chồng, mẹ đẻ (đã già) và đứa con trai nhỏ (9 tuổi) của đồng chí Cận. Vì trọng trách của đảng giao đang gánh nặng trên vai, vì sự thắng lợi của cách mạng ngày mai, nữ đồng chí Cận phải cắn răng nuốt đau thương vào trái tim trong lồng ngực để nuôi chí căm thù. Âm thầm chịu đựng, xót đau trước thời cuộc đưa đẩy số phận 3 con người ruột thịt của mình và một số bà con khác vào cuộc sống tù đày, lầm than, cơ cực.

Cùng với việc thành lập “Đội du kích vũ trang” công khai cấp uỷ chi bộ và đội công tác xã vẫn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố và phát triển đội du kích và thiếu niên tiền phong bí mật để nuôi dưỡng lực lượng chiến đấu ngầm cho phong trào cách mạng liên tục có trong lòng địch. Để chuẩn bị cho chiến dịch tiến công và nổi dậy, theo chỉ thị của Huyện uỷ, Cấp uỷ chi bộ xã Điện Minh còn thành lập thêm hai cơ sở đảng và du kích ở hai thôn Bồng Lai, Khúc Luỹ do đồng chí Mạc Như Hoành phụ trách. Lúc đầu có 6 đảng viên hoạt động hợp pháp, chi bộ chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng ở 2 thôn, đồng thời có nhiệm vụ cung cấp tình hình cho các đội công tác của toàn xã Điện Minh và các xã lân cận.

Sau khi ra đời “Đội du kích vũ trang xã” dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, Đội du kích vũ trang đẩy mạnh các hoạt động tác chiến tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phá thế kiềm kẹp của địch ở thôn Uất Luỹ, Trung Phú, Tân Mỹ, Bồng Lai cùng với bộ đội địa phương huyện giữ vững thế làm chủ chiến trường .

Điển hình nhất là các trận tiến công địch trong tháng 1- 1968. Được sự động viên, chỉ đạo của “Mẹ” là bí thư chi bộ đảng. Đội du kích xã do đồng chí “Con” Lê Minh Sơn chỉ huy sử dụng mìn cải tiến phục kích tại cây số 6 (đường tỉnh lộ Vĩnh Điện – Hội An) diệt 1 tiểu đội lính Nam Triều Tiên đi mở đường vào sáng sớm, thu toàn bộ vũ khí. Thừa thắng Đội còn phục kích diệt 3 tên Mỹ, phá huỷ một xe Jeep cũng trên đường Vĩnh Điện – Hội An. Phục kích diệt 2 tên lính Nam Triều Tiên, bắt sống một tên lính Nguỵ, bắn cháy 1 xe quân sự tại thôn Trung Phú. Tại ngã ba Điện Bình, lực lượng du kích vũ trang xã do đồng chí Lê Minh Sơn tức Huy (con của đồng chí Cận) phụ trách phục kích diệt 1 xe chở lính thám báo, loại khỏi vòng chiến đấu 6 tên, thu 40 súng.

Cuối mùa đông 1968, đất trời chuẩn bị đón xuân Nhâm Thìn – 1969, với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thiệu – Kỳ không đổ, không giỗ, không tết”. Chi bộ xã lãnh đạo du kích và nhân dân Điện Minh tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng chờ lệnh xuất kích tiến công vào sào huyệt địch, tiêu diệt địch, đón xuân mới Nhâm Thìn ngay trên đồn, bót của Mỹ - Nguỵ, trên cơ quan của Nguỵ quyền Sài Gòn. Ở Điện Minh, cùng với quân và dân toàn huyện Điện Bàn, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy đã hoàn tất, sẵn sàng nổ súng vào đầu giặc Mỹ sau khi nghe Hồ Chủ Tịch đọc thơ chúc Tết Nhâm Thìn.

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân quan

Thắng trận tin vui khắp nước nhà”

Quân và Dân Điện Minh, trong đó có cả gia đình chiến đấu của nữ Bí thư Nguyễn Thị Cận gồm mẹ và hai con đã sẵn sàng khi tiếng thơ của Bác Hồ vừa dứt, “...Tiến lên toàn thắng ắt về ta” là nổ súng. Đó là đêm 30 – 1- 1968, nhưng Bộ tư lệnh mặt trận Quảng Đà thông báo hoãn nổ súng vào đêm ngày 30 – 1 – 1968 sang đêm ngày 31 – 1 – 1968 rạng sáng ngày 01 – 02 – 1968. Lệnh hoãn nổ súng đến quá gấp, các đơn vị, địa phương đã xuất quân, không thể dừng lại được. Do đó các đơn vị họp đồng nổ súng tiến công trên toàn chiến trường Quảng Đà và trên xã Điện Minh vẫn diễn ra đêm 30 rạng ngày 31 – 1. Đêm giao thừa Tết Mậu Thân. Các đơn vị bộ đội địa phương Huyện phối hợp với du kích vũ trang các xã đồng loạt nổ súng tiến công vào chốt điểm, khu đồn, quận luỵ của địch trên khắp địa bàn. Một lần nữa, mẹ, con nữ bí thư Nguyễn Thị Cận lại có dịp sát cánh cùng nhau trên một chiến hào chống Mỹ xâm lược. Đội du kích vũ trang công tác xã Điện Minh trong đội có Lê Minh Sơn (tức Huy), cán bộ chiến sĩ bám sát cùng với các đơn vị tham gia chiến đấu. Lực lượng đấu tranh chính trị do đồng chí Nguyễn Thị Cận bí thư chi bộ chỉ huy tập trung tại nhà ông Lê Một ở thôn Uất Luỹ xuống đường đấu tranh, thanh niên dân công đào phá cống bà Thanh cắt giao thông của địch. Đồng chí Nguyễn Thị Cạn dẫn đầu đoàn tuần hành trên đường Quốc lộ, rải truyền đơn, treo cờ khẩu hiệu, uy hiếp tinh thần và chia cắt lực lượng đối phương để cho quân du kích vũ trang và bộ đội thâm nhập vào đồn tiêu diệt địch. Huy động lực lượng rào ngang đường ở Cống Hương Thơ. Cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968 của quân và dân ta không đạt được kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nhưng về mặt chính trị, đây là một thắng lợi rất có ý nghĩa. Chúng ta đã đánh bại một bước cơ bản chiến lược chiến tranh cục bộ của Đế quốc Mỹ và tay sai, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh xâm lược Miền nam Việt Nam.

Thực tế đã cho thấy Mỹ- Nguỵ đã huy động mọi lực lượng, phương tiện để thực hiện “chiến tranh cục bộ”. Nhưng chúng đã thất bại sau chiến dịch mùa xuân năm 1968. Mỹ đề ra chủ trương phi Mỹ hoá cuộc chiến tranh, rút dần quân Mỹ và chư hầu bại trận về nước, trút gánh nặng chiến tranh lên đầu quân Nguỵ đứng đầu là Nguyễn Văn Thiệu. Thế nhưng, với bản chất xâm lược, Mỹ vẫn bám lấy miền Nam Việt Nam, biến chủ trương phi Mỹ hoá, thành chiến lược “chiến tranh Việt Nam hoá”. Thay biện pháp “Tiêu diệt – Bình định” thành biện pháp “Quét và Giữ”. Đây là một biện pháp rất thâm độc, một thủ đoạn chiến thuật rất dã man thay màu da trên xác chết, dùng người Việt đánh người Việt. Âm mưu, thủ đoạn này của Mỹ - Nguỵ bước đầu gây cho ta một số khó khăn. Một số cán bộ, du kích, và nhân dân giảm sút lòng tin, ngại ác liệt, hy sinh tổn thất bỏ làng xã ra đi sinh sống nơi khác.

Trước tình hình đó, cấp uỷ, chi bộ, cán bộ, du kích vũ trang của xã mà nòng cốt là mẹ, con nữ bí thư Nguyễn Thị Cận. Một gia đình Cộng sản: Mẹ làm bí thư (suốt hàng chục năm nay). Con trai cả Lê Minh Sơn đội trưởng Du kích vũ trang – đảng viên, con gái thứ Nguyễn Thị Tùng, cán bộ phụ nữ - đảng viên. Một nhà hình thành một chi bộ đảng, cùng với các đảng viên và anh em du kích khác trong xã sau mùa xuân 1968, vẫn giữ vững được tổ chức và tinh thần chiến đấu. Mặc dù bị địch dùng mọi âm mưu thâm độc để ly gián mẹ, con – phá hoại sự thống nhất bền vững trong gia đình và công tác ở địa phương. Chi bộ và lực lượng vũ trang của du kích xã chủ động phối hợp với Trung đoàn 36 chủ lực của Bộ Tư Lệnh mặt trận Quảng Đà điều động về hỗ trợ cho địa bàn xã sau chiến dịch mùa xuân 1968. Trung đoàn có nhiệm vụ đứng chân đánh địch phản kích ở dọc hai bên bờ sông Thu Bồn và tiến công chi khu Quận lỵ.

Ngày 5 – 5 – 1968 chiến dịch Xuân Hè mở màn. Lực lượng du kích vũ trang xã Điện Minh phối hợp với các đơn vị chủ lực thuộc Trung đoàn 36, Đại đội 3 bộ đội địa phương Huyện và lực lượng An ninh huyện mở trận đánh vào Thị trấn Vĩnh Điện và chi khu quận lỵ, và thôn Trung Phú loại khỏi vòng chiến đấu 10 tên địch.

Ngày 17 – 5 – 1968 đội du kích vũ trang Điện Minh do đội trưởng Lê Minh Sơn con trai chị Cận với một trung đội thuộc Trung đoàn 36 chủ lực, bố trí trận địa phòng ngự đánh địch phản kích ở Trung Phú, rạng sáng Trung đội nghĩa quân do tên Nghĩa ác ôn cầm đầu, quân số 36 tên, từ Thị trần Vĩnh Điện, chia làm 3 mũi tên tiến xuống thôn Trung Phú nhằm lùng sục, tìm hầm bí mật, nơi ẩn náu của Bí thư Nguyễn Thị Cận và cơ sở cách mạng xã Điện Minh để tiêu diệt. Đa số quân địch là người địa phương nên chúng rất quen thuộc địa hình. Theo chỉ đạo của Bí thư Cận, đội du kích vũ trang xã Điện Minh chỉ đánh tiêu hao bọn nghĩa quân, tạo thế trận để tiêu diệt bọ quân cứu viện của chúng. Lực lượng du kích vũ trang xã sử dụng 10 đồng chí do Lê Minh Sơn chỉ huy, chia làm 3 tổ, bộ đội địa phương huyện có 24 người do đồng chí Bôi chỉ huy. Trang bị của quân ta đủ mạnh. Khi đội hình của địch lọt vào trận địa phục kích của ta, các tổ chiến đấu, theo sự phân công và diễn tập trước – dựa vào địa hình sẵn có. Đồng loạt các tổ chiến đấu nổ súng vào đội hình chính diện của địch. Liền sau đó, các tổ thọc sườn, khoá đuôi, truy kích lợi dụng triệt để địa hình để tiến công địch có hiệu quả. Sau 15 phút đầu chiến đấu ta đã diệt 2 tên, làm bị thương hàng chục tên, ta thu 3 súng, số còn lại của địch bỏ chạy toán loạn. ta củng cố lực lượng , củng cố địa phòng ngự vững chắc. Chờ đánh địch tiếp viện theo như chỉ đạo của chi bộ và bí thư Nguyễn Thị Cận ban đầu.

Đúng như dự đoán của chị Cận, 8 giờ địch sử dụng 2 đại đội địa phương quân có 1 chi đội xe tăng yểm trợ, chia làm 2 mũi tiến công, 1 mũi từ cây số 6, Chi khu tiến đánh trận địa của ta. Ta dựa vào kênh mương thuỷ lợi và công sự có sẵn, các tổ chiến đấu quyết liệt, bẻ gãy 4 đội xung phong của bộ binh có xe tăng yểm trợ của địch, loại khỏi vòng chiến đấu ngay tại trận 15 tên, ta 1 đồng chí hy sinh, 1 bị thương. Không chiếm được trận địa của ta địch lui ra gọi phi pháo đánh phá, nhưng do địa hình của thôn Trung Phú không cho phép địch phát huy tác dụng của hoả lực bắn từ xa, nên bom và pháo địch đều bị bắn ra ngoài trận địa ta.

Mũi thứ hai của địch tiến từ ngã 3 Điện Bình, cách Vĩnh Điện 400m về phía Nam, mũi tiến công này của địch lọt vào trận địa phục kích của tiểu đội bộ đội địa phương huyện, bất ngờ bị chặn đánh quyết liệt, ta bắn cháy một xe tăng địch, bọn địch hốt hoảng lùi lại phía sau, dùng hoả lực bắn hù doạ vào trận địa ta nhưng không thành. Quân ta nhanh chóng, cơ động, theo kế hoạch sẵn và về phòng ngự ở Gò Bàu .

Sau khi dùng hoả lực bắn phá, địch tập trung lực lượng tiến vào ngã ba Điện Bình, tại nơi đây đội hình địch lại rơi vào trận địa phòng ngự của một đại đội thuộc Trung đoàn 36 và du kích vũ trang xã Điện Châu, Điện Minh. Các tổ chiến đấu đồng loạt nổ súng tiến công vào đội hình địch, buộc chúng phải tháo chạy, bỏ lại trận địa hàng chục xác chết. Đến 15h30’, trời sắp tối, toàn bộ quân địch tháo chạy về căn cứ.

Kết quả trận chiến đấu phòng ngự kết hợp vận động chiến, phối hợp giữa du kích vũ trang xã Điện Minh, Điện Châu và bộ đội chủ lực huyện, tỉnh ngày 17 – 5 – 1968 đã loại khỏi vòng chiến đấu 50 tên địch, bắn cháy một xe tăng, thu 15 súng, ta 1 đồng chí hy sinh và 4 bị thương.

Chiến công này, bên cạnh lòng yêu nước, yêu quê hương, tinh thần chiến đấu quả cảm, vô song, của quân chủ lực Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, và du kích vũ trang các xã Điện Minh, Điện-Châu và nhân dân hai xã, còn có lòng hy sinh, sự gắn bó giữa nhiệm vụ người đảng viên, nhiệm vụ của một công dân yêu nước, một chiến sĩ quân đội với tình yêu của người mẹ, người con, quyện vào tình yêu quê hương cùng chung một lý tưởng, đứng trên một chiến hào, gắn bó máu thịt cùng nhau làm nhiệm vụ tiêu diệt kẻ thù cướp nước và bè lũ bán nước của hai người đồng chí Lê Minh và Nguyễn Thị Cận, quyết tâm giành độc lập tự do cho Tổ quốc Việt Nam.

Trận chiến đấu phòng ngự kết hợp với vận động chiến dịch ngày 17 – 5 – 1968 tại ngay chính quê hương của người Bí thư Nguyễn Thị Cận và anh du kích vũ trang Lê Minh Sơn là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất, thể hiện sự đoàn kết hợp đồng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng địa phương với bộ đội chủ lực, giữa quân du kích vũ trang với quân chủ lực cơ động, tạo điều kiện mở rộng địa bàn làm chủ của nhân dân, cán bộ và du kích Điện Minh. Từ chỉ làm chủ ban đêm, nay làm chủ cả ban ngày ở các thôn Uất Luỹ, Trung Phú, Bồng Lai, Khuất Luỹ, Đồng Hạnh, Tân Mỹ, tạo thành thế trận chiến tranh du kích áp sát đồn, bót, chi khu, quận lỵ, nơi đồn trú của Mỹ - Nguỵ. Rất lo sợ, nên Mỹ - Nguỵ huy động nhiều lực lượng, phương tiện liên tục phản kích, đẩy lực lượng ta ra xa, tìm diệt cơ sở ta bên trong hàng ngũ chúng. Để tìm kiếm lại địa bàn chiếm giữ đã mất vào tay quân du kích vũ trang, địch sử dụng lực lượng thuộc đại đội 708 Tây Hổ phục kích tại xóm Lẻ thôn Triêm Đông xã Đện Thành – Đội du kích vũ trang xã do đồng chí Lê Minh Sơn chỉ huy bí mật đột nhập vào xóm Lẻ gặp ngay ổ phục kích của chúng. Lập tức đồng chí Sơn cho triển khai đội hình chiến đấu đánh thẳng vào đội hình địch, loại khỏi vòng chiến đấu 4 tên, đội du kích vũ trang xã hy sinh 2 đồng chí. Trong cao điểm của chiến dịch xuân hè 1968 Đội du kích vũ trang Điện Minh phối hợp với một bộ phận của Trung đoàn 36 chủ lực bố trí trận địa phòng ngự đánh địch càn quét vào thôn Uất Luỹ - nơi có nhà ở và hầm trú ẩn của nữ bí thư Nguyễn Thị Cận, loại khỏi vòng chiến đấu 17 tên địch.

Mặc dù địch đánh phá ác liệt, sau mùa xuân 1968, nhưng dưới sự lãnh đạo uyển chuyển, chỉ đạo kịp thời sát tình hình địa phương, biết địch, biết ta của chi bộ đảng, lại được sự chi viện của các đơn vị quân chủ lực, quân địa phương và sự nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che của nhân dân. Đội du kích vũ trang xã Điện Minh, cố tình mẹ bao la che chở, dìu dắt, đồng chí Lê Minh Sơn, Đinh Cao Thắng, nhiều lần chỉ huy du kích, công an vũ trang bí mật đột nhập, bất ngờ đánh địch trên đường quốc lộ giữa ban ngày, tiêu hao, tiêu diệt hàng chục tên Mỹ - Nguỵ, phá huỷ một số xe quân sự Mỹ, diệt 3 tên thu 1 M79.

Không những lãnh đạo chiến đấu vũ trang, chi bộ Đảng do nữ đồng chí Cận lãnh đạo còn tìm cách lợi dụng sơ hở của địch vận động thu mua nguồn lương thực, thực phẩm, nguồn hàng hậu cần tại chỗ, cung cấp đầy đủ cho bộ đội, du kích cán bộ của xã và góp phần phục vụ cho các địa phương khác. Hoạt động này cũng diễn ra rất quyết liệt giữa ta và địch, nếu không có sự lãnh đạo khôn khéo của chi bộ đảng cũng sẽ xảy ra tù đày, tra tấn dã man của địch, nếu chúng bắt được kẻ bán, người mua thành công trong tổ chức hậu cần, tiếp tế cho quân đội và cán bộ cũng là một thắng lợi có ý nghĩa rất lớn, thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường của quân và dân Điện Minh, trước hết phải nói là của đội ngũ cán bộ hợp pháp, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của địch luôn muốn cắt đứt nguồn hậu cần tại chỗ, cung cấp cho du kích tập trung và bộ đội ta.

Nhằm hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị trong nước, đấu tranh ngoại giao trong cuộc đàm phán Paris (Pháp), quyết đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ - Nguỵ. Sau chiến dịch Xuân Hè 1968 ngày 17-8-1968 chiến dịch tiến công và nổi dậy mùa Thu 1968 mở màn. Hướng chủ yếu của chiến dịch trên chiến trường Quảng Đà vẫn là Đà Nẵng, Hội An, Vĩnh Điện và một số thị trấn khác. Mở màn chiến dịch, để áp đảo quân địch, giàn thế chủ động quân và dân ta trên khắp chiến trường, đồng loạt nổ súng tiến công dội bão lửa xuống các căn cứ, đồn bót địch ở Điện Minh. Đêm 17-8 chấp hành chỉ thị của Huyện uỷ Chi bộ đảng, đội công tác và đội du kích vũ trang xã do 3 mẹ con Nguyễn Thị Cận, Lê Minh Sơn, Nguyễn Thị Tùng cùng phụ nữ thanh nhiên các thôn chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Dẫn đường cho các mũi tiến công của Trung đoàn 36 chủ lực đánh chiếm các thôn Bồng Lai, Tân Mỹ, Trung Phú làm chủ ngã tư Vĩnh Điện. Mũi tiến công của đồng chí Bội thuộc bộ đội địa phương huyện cùng đ/c Lê Minh Sơn đội du kích vũ trang xã tiến công cơ quan Quận bộ Quốc dân đảng ở bến xe Vĩnh Điện, diệt hàng chục tên, bắt sống tên Nhữ - Chi phó cảnh sát Quận.

Sau khi chiếm các địa bàn, bộ đội, du kích khẩn trương công sự, bố trí trận địa sẵn sàng đánh địch phản kích ban ngày, các đội công tác của huyện và xã đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, treo cờ, rãi truyền đơn ở ngã tư Vĩnh Điện.

Trước tình thế bị bộ đội và du kích các xã bao vây, áp sát chi khu, quận lỵ. Ngày 18/8/1968 Mỹ-Nguỵ điều động các đơn vị thuộc liên đoàn 11 Biệt động quân, được xe tăng, hải thuyền và phi pháo yểm trợ đắc lực, chia thành nhiều mũi từ hướng Đà Nẵng vào, từ Hội An lên phản kích vào trận địa của Trung đoàn 36 và du kích xã Điện Minh – Vĩnh Điện – Điện Thành. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, nhất là ở ngã tư Vĩnh Diện, Bồng Lai, Trung Phú, Uất Luỹ, tại ngã tư Vĩnh Điện bộ đội và du kích chiến đấu dũng cảm đánh lui nhiều đợt xung phong của bộ binh, xe tăng địch, bắn cháy nhà thông tin, ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, trận đánh kết thúc hàng trăm tên địch bị ta giết, nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh anh dũng.

Tại hướng Đông Nam, địch phát hiện Trung đoàn 36 và du kích Triêm Đông, Uất Luỹ, Trung Phú đã sử dụng một đại đội biệt kích và xe tăng từ Tiểu Khu lên đánh vào Gò Sài (Triêm Đông). Dựa vào địa thế tự nhiên, làng xã, bộ đội và du kích ta chiến đấu kiên cường, đánh thiệt hại nặng đại đội biệt kích, bắn cháy một xe M113, bọn địch còn lại tháo chạy, bỏ lại nhiều xác chết trên trận địa. Liền sau đó, địch điều động thêm 1 đại đội đến chi viện, nhưng bọn này không dám tiến vào, chỉ gọi phi pháo bắn phá. Đến 16 giờ chúng điều thêm 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 51, một chi đoàn xe tăng,một chi đội Hải thuyền. Địch chia làm nhiều mũi tiến công vào trận địa của ta, cả chính diện, phía sau, bên sườn, hình thành thế bao vây lực lượng bộ đội và du kích ta để tiêu diệt.

Quân đội và du kích ta quyết tâm chiến đấu trừng trị hành động liều lĩnh của địch, các đội cơ động dưới sự chỉ huy của nữ bí thư Cận, hoá trang thành nghĩa quân của chúng, mang theo lựu đạn, tiểu liên nhẹ, quầng lộn vào hàng ngũ của nghĩa quân địch, tiến công địch phá thế bao vây của chúng, quân ta áp sát vào bờ rào phía đông của chi khu quận lỵ của địch, làm cho kẻ địch không thể dùng phi pháo để tấn công ta. Trận đánh ác liệt ở đây diễn ra từ 15 giờ đến 18 giờ trong ngày. Trời sắp tối, không chiếm được trận địa ta, mà tổn thất lại nặng nề, cuối cùng địch phải rút về căn cứ. Quân ta diệt gọn 2 trung đội nghĩa quân, 1 trung đội biệt kích , đánh thiệt hại nặng 4 đại đội, 2 trung đội. Loại khỏi vòng chiến đấu 185 tên, bắn cháy 4 xe tăng. Đêm 18-8-1968 các đơn vị quân đội và du kích vũ trang các xã tham gia chiến đấu tiếp tục và thu dọn chiến trường. vừa chỉ huy đánh trận, đồng chí Cận vừa phải chỉ huy các cơ sở cách mạng và nhân dân trong xã Điện Minh tận tình tham gia phục vụ bộ đội, du kích chiến đấu. tiếp tế cơm nước, chăm sóc thương binh, khiêng thương, tải đạn ngay khi cuộc chiến đấu cần, tiếng súng đôi bên còn bắn nhau dữ dội.

Xông xáo giữa trận địa đồng chí Nguyễn Thị Cận không ngần ngại hy sinh. Bởi hơn ai hết đồng chí biết giữa lúc này cần phải làm gì và làm như thế nào để cuộc chiến đấu trực diện của quân chủ lực và du kích vũ trang xã có hiệu quả cao nhất. Cơ sở nội tuyến của ta trong lòng địch tại những nơi đang xảy ra đánh nhau quyết liệt chỉ riêng đồng chí biết. Cần phải vận động những cơ sở này chỉ ra những nơi bọn Nguỵ quyền, phản động ẩn náu, bọn tay sai khát máu lấy làm nơi giết hại tra tấn cán bộ, đảng viên, du kích ta bấy lâu nay ở Vĩnh Điện, ở Chi khu quận lỵ. Từ suy nghĩ đó chị đã vận động một sơ sở nội tuyến là một bà mẹ ở sát nhà lao Vĩnh Điện chỉ ra chỗ ẩn nấp của bọn ác ôn cho bộ đội và du kích ta tiêu diệt ngay khi trận đánh đang tiếp diễn. Vận động ông Ba Mai nhà gần ngã tư Vĩnh Điện, nơi trận đánh đang diễn ra, che dấu, chăm sóc 2 thương binh của ta nuôi dưỡng, sáu đó bí mật đưa lên Bồng Lai về lại vùng du kích.

Trận tiến công của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an và du kích vũ trang vào Vĩnh Điện, chi khu quận lỵ trong chiến dịch mùa Thu 1968 có sự phối hợp chỉ huy và phối hợp tác chiến của nữ bí thư Nguyễn Thị Cận cùng con trai Lê Minh Sơn (tức Huy) là trận đánh quyết liệt nhất kể từ đầu cuộc chiến tranh. Ta đã làm chủ hầu hết các địa bàn chung quanh chi khu quận lỵ, đánh bại quân phản kích, giữ vững sự hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, địa bàn da báo giữa ta và địch. Kết thúc trận đánh quân đội chủ lực, du kích vũ trang xã, công an vũ trang huyện đã loại khỏi vòng chiến đấu 385 tên địch, trong đó có hàng trăm tên mỹ và quân Nam Triều Tiên, đánh sập nhiều lô cốt, cơ quan của nguỵ quyền tại Vĩnh Điện.

Kết thúc năm 1968, quân và dân ta dồn sức mở 3 chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giành được nhiều thắng lợi to lớn. đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ - Nguỵ, buộc chúng phải rút quân bại trận về nước, ngừng ném bom Miền Bắc, chấp nhận đàm phán, rút quân, bỏ mặc cho Nguỵ quân – Nguỵ quyền đương đầu với cuộc kháng chiến của quân và dân ta. Tuy nhiên, để giành được thắng lợi to lớn của năm 1968 quân và dân Miền nam nói chung, của Điện Bàn, Điện Minh nói riêng cũng phải chịu nhiều hy sinh, tổn thất phải trải qua một thời gian nhất định mới tạo được thế và lực mới.

Tính đến cuối năm 1968 đã có 543.000 quân Mỹ, hơn 60.000 quân chư hầu, 1.150.000 quận Nguỵ (kể cả lực lượng cảnh sát). Với lực lượng và phương tiện hiện có. Mỹ Nguỵ tiếp tục càn quét đánh phá quyết liệt, quyết giành lại những địa bàn đã mất trên chiến trường Quảng Đà. Trên chiến trường Điện Bàn, Mỹ-Nguỵ và chư hầu ra sức càn quét, đánh phá vùng giải phóng, mở nhiều chiến dịch bình định, bình định cấp tốc, bình định trọng điểm, bình định đặc biệt, nhằm bắt dồn dẫn vào các khu dồn, trại định cư. Kết hợp càn quét với bắt lính, đôn quân, phát triển lực lượng gián điệp “Thiên Nga”; “Phượng Hoàng”. Phòng vệ dân sự nhằm làm vô hiệu hoá hạ tầng cơ sở cách mạng của địa phương.

Ở Điện Minh Nguỵ quân – Nguỵ quyền cũng ra sức tăng cường lực lượng, bắt thanh niên đi lính bổ sung cho 3 Trung đội nghĩa quân và phòng vệ dân sự. Ngoài ra còn có lực lượng tăng cường của Trung đoàn 51. Các toán Mỹ, Cảnh sát đặc biệt, bình định. Phát triển các đảng phái phản động (Quốc dân đảng, Dân chủ) theo từng nhóm liên gia, tăng cường lùng sục tìm kiếm hầm bí mật, bắt giam, tra tấn những người có cảm tình với cách mạng. Bất chấp âm mưu, thủ đoạn, đặc điểm, tính chất thâm độc của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ - Nguỵ trong giai đoạn này. Người nữ chiến sĩ cộng sản trung kiên Nguyễn Thị Cận người liên tục suốt 15 năm kiên cường dũng cảm, trung thành với cách mạng, chung thuỷ với chồng con vẫn kiên trì lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân xã Điện Minh anh dũng chiến đấu với địch, một tấc không đi, một ly không rời, bám chặt mảnh đất quê hương chiến đấu và lãnh đạo chiến đấu. Sau khi ổn định một bước về tư tưởng và tổ chức – Chi bộ, Cán bộ đảng viên, đội du kích vũ trang và nhân dân xã Điện Minh tiếp tục huy động lực lượng tham gia chiến dịch Xuân Kỷ Dậu năm 1969, cùng quân và dân Miền nam nhằm giáng đòn phủ đầu mạnh mẽ vào chiến lược chiến tranh Việt Nam hoá của Mỹ -Nguỵ.

Rút kinh nghiệm 1968 là năm quân du kích vũ trang xã Điện Minh dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng do chị Nguyễn Thị Cận làm Bí thư đã xông xáo dẫn đầu, tích cực phối hợp với bộ đội chiến đấu nhiều trận trên địa bàn. Qua chiến đấu chi bộ đã rèn luyện được đội ngũ thanh niên nhân dân trung thành với cách mạng, với quê hương giam gia mọi hoạt động đánh địch để giành thắng lợi cuối cùng. Tuy có tổn thất, nhưng tinh thần và ý chí cách mạng của người đảng viên không gì lay chuyển được. Đêm 22-2-1969 chiến dịch Xuân Kỷ Dậu mở màn. Đội du kích vũ trang xã phối hợp với một bộ phận của Trung đoàn 36 chủ lực, đồng loạt tiến công vào các mục tiêu của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 60 tên. Điển hình nhất là 4-1969 đội công tác và du kích vũ trang xã do đồng chí Lê Minh Sơn chỉ huy tập kích tiêu diệt trung đội nghĩa quân của tên Nghĩa tại trụ sở thôn Trung Phú, diệt 2 tên, làm bị thương 3 tên, thu 1 trung liên, 2 tiểu liên, bọn địch còn lại tháo chạy lên đường số 1, không dám quay lại lấy xác. Qua trận đánh này Mẹ, Con nữ bí thư Nguyễn Thị Cận đã sát cánh bên nhau lãnh đạo phong trào cách mạng tại quê nhà dù phải chấp nhận bao đau thương mất mát. Cuộc chiến đấu để giành đất, giữ dân diễn ra ngày càng quyết liệt. Sau chiến dịch Mỹ-Nguỵ tiếp tục càn quét xúc dân, bình định, nhiều vùng trở thành trắng đất, trắng dân.

Quyết tâm đánh bại âm mưu, thủ đoạn của Mỹ-Nguỵ. Đảng uỷ Bộ Tư lệnh mặt trận Quảng Đà chủ trương tập trung lực lượng mở chiến dịch Hè – Thu 1969.

Đêm 5 – 5 – 1969 chiến dịch Hè Thu mở màn. Ở Điện Minh Tiểu đoàn 3 trung đoàn 36 phối hợp với 2 đại đội địa phương, đội an ninh, vũ trang và du kích vũ trang xã Điện Minh dưới sự chỉ đạo của nữ bí thư Nguyễn Thị Cận chia làm nhiều mũi tấn công hầu hết các mục tiêu của địch chung quanh chi khu quận lỵ, đánh thiệt hại Trung đội nghĩa quân. Các khẩu đội cối 82 ly, các tổ hoả lực, tấn công liên tục bắn cối phóng bom, đạn pháo vào chi khu và các trận địa pháo của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. Bước vào đợt 2 của chiến dịch, đêm ngày 5-9-1969. Tiểu đoàn 3 trung đoàn 36 cùng du kích vũ trang của xã Điện Minh tiến công vào thị trấn Vĩnh Điện.Chiều ngày 6-9-1969 một khẩu pháo thuộc trung đoàn 577 của ta bắn hàng chục quả đạn ĐKB vào chi khu diệt một số địch. Cuối tháng 9-1969 chiến dịch Hè Thu kết thúc thắng lợi. Quân và Dân ta, trong đó có lực lượng du kích vũ trang và nhân dân xã Điện Minh, dưới sự lãnh đạo kiên cường của nữ Bí thư Nguyễn Thị Cận cùng với các đảng viên Nguyễn Thị Tùng con gái đồng chí Cận, Lê Minh Sơn con trai đồng chí Cận và các cán bộ, đảng viên Phan Xuân Tới, Phan Xuân Đây, Phan Xuân Hoà, Lương văn A, Phan Thị Hoa đã gắn bó cùng nhau chiến đấu, không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh và đã giành được thắng lợi, đánh bại kế hoạch gom dân, bình định của địch, giữ vững thế làm chủ chiến trường.

Tuy nhiên cuộc kháng chiến của quân và dân ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Quân số, trang bị, lương thực, thuốc men, thực phẩm cho các lực lượng vũ trang không bổ sung kịp. Nhiều đơn vị chủ lực cơ động có quân số đông phải giải thể, phân tán về các đơn vị, địa phương hoặc rút về hậu cứ. Lợi dụng tình hình trên Mỹ-Nguỵ tăng cường lực lượng nhất là quân địa phương, kết hợp chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” liên tục mở các cuộc càn quét, lấn chiếm, dồn dân, bình định với nhiều thủ đoạn thâm độc, tinh vi hơn trước. trên không, suốt ngày đêm các loại máy bay OV10; L19; UH1A; C130; CH47; OH6A quầng lượn, soi đèn bắn phá, đổ quân bất kỳ ở đâu, đốt nhà, bắt giết dân thường, phá hoại hoa màu. Trong đấu tranh cách mạng đồng chí Lê Văn Sơn con trai đầu của nữ bí thư Nguyễn Thị Cận, niềm an ủi động viên tinh thần chị đã trưởng thành, trong chiến đấu với địch lại bị thương, nên phải rời quê hương theo yêu cầu nhiệm vụ mới, chị buồn, nỗi buồn xen lẫn với niềm vui. Chị xốc lại mình động viên con lên đường vì sự trưởng thành và cuộc chiến đấu mới đang chờ phía trước. Tiễn con trai đi, chị lặng lẽ quay về với nếp nhà tranh quen thuộc. Người con gái Nguyễn Thị Tùng,lâu nay đã trở thành người đồng chí chiến đấu trong đội du kích vũ trang bên người anh ruột Lê Minh Sơn, giờ đây gắn bó bên cạnh chị hằng ngày trong từng trận chiến đấu, từng bước đi của cuộc đời trước nanh vuốt của kẻ thù.

Thế rồi, cái đêm 12-9-1969 định mệnh. Trên bầu trời quê hương, ánh trăng rằm mùa thu vằng vặc sáng. Tiếng trống ếch của đội thiếu niên tiền phong vang lên đâu đó sau luỹ tre làng, thôi thúc nổi băn khoăn trong lòng người nữ Bí thư với bao ngổn ngang còn nặng nề, trước thời cuộc chiến tranh còn đang dang dở. Người con trai Lê Minh Sơn chỉ huy đội du kích vũ trang xã ra đi làm nhiệm vụ mới theo yêu cầu của Huyện Uỷ Điện Bàn. Đêm nay, chị thay Sơn cùng anh em trong đội du kích vũ trang xã Điện Minh dẫn đường đưa một bộ phận của Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 36 quân chủ lực tỉnh tập kích vào khu vực chợ Mai Vĩnh Điện, tiêu diệt 12 tên địch, thu 5 súng, 2 máy đánh chữ, 2 thùng lựu đạn M26 của địch. Trong chiến đấu anh em không thuộc đường, chị nhận trách nhiệm đi trước dẫn đường cho bộ đội băng qua các ngõ tắt đểnhanh chóng tiếp cận mục tiêu, nhanh chóng tiêu diệt địch, khi chúng chưa kịp chuẩn bị đối phó. Và đó cũng là lần đi định mệnh. Chị bị địch bắn chết tại chỗ khi quân ta vừa tiêu diệt tên địch thứ 12 và thu 5 súng của địch. Chi hy sinh không lâu, thì người con gái duy nhất của cặp vợ chồng hai đảng viên Nguyễn Tấn Minh và Nguyễn Thị Cận là Nguyễn Thị Tùng trong đội công tác Điện Châu đang trú tại hầm bí mật ở gần Miếu Thái Dương thuộc Làng Khuất Luỹ, trong một trận địch đi càn quét.Hầm của Nguyễn Thị Tùng và quân du kích ẩn trú bị bọn chỉ điểm chỉ cho bọn lính Nam Triều Tiên đến bao vây khui nắp hầm, xã súng bắn xuống hầm, gọi đầu hàng. Anh em du kích và cán bộ ta dưới hầm, có nữ đảng viên Nguyễn Thị Tùng và đồng chí Trần Cảnh Tri đội trưởng đội công tác Điện Châu và anh em du kích kiên quyết không đầu hàng đich, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, giết chết nhiều tên lính đánh thuê Nam Triều Tiên và anh dũng hy sinh.

Thế là sau hơn hai mươi năm chiến đấu dưới ngọn cờ Cách mạngđồng chí Nguyễn Thị Cận:

- Người nữ đảng viên đảng cộng sản Việt Nam liên tục 15 năm được đảng giao nhiệm vụ lãnh đạo một Chi bộ đảng nơi tuyến đầu của cuộc đấu tranh một mất một còn với quân thù.Tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản. Khi bị địch bắt tra tấn dã man bằng mọi cực hình của thời trung cỗ, vẫn gĩư vững khí tiết của người cộng sản, kẻ thù đã xẻ thịt dần nát xương, vẫn một lòng trung thành với đảng, không nửa lời khai báo để bảo vệ cơ sở đảng, bảo vệ đồng chí, đồng đội và nhân dân.Mười lăn nămlãnh đạo một cơ sở đảng trên một vùng dân cư sát nách kẻ thù,có lúc bị gián đoạn sự chỉ đạo của Đảng Uỷ cấp trên đồng chí vẫn không mất phương hướng cách mạng, bảo vệ được đường lối chính trị của đảng.

- Người nữ Đội trưởng đội du kích một xã chiến đấu sau lưng địch đã tự mình và cùng đồng đội giết hàng trăm tên địch, thu hàng trăm súng,giải thoát và bảo vệ hàng ngàn đồng bào, đồng đội , đồng chí thoát khỏi sự tàn sát dã man của quân thù Mưu trí,dũng cám sáng tạo nhiều cách đánh địch.Bảo vệ vùng du kích của ta trong vùng địch chiếm đóng.

- Hội trưởng Hội phụ nữ xã Điện Minh đã tập họp được quần chúng nhân dân,lãnh đạo và giác ngộ lực lượng nhân dân đấu tranh chính trị, hậu thuẫn cho các lực lương vũ trang của ta chiến thắng địch.Lực lượng phụ nữ xã đã đóng vai trò quyết định cho việc cung cấp nguồn lương thực thực phẩm cho lực lượng vũ trang chiến thắng .

- Uỷ viên BCH phụ nữ huyện Điện Bàn.

Đã anh dũng hy sinh giữa lúc Đảng và Nhân dân, Quân đội, Lực lượng vũ trang còn ngổn ngang công việc đang cần Chị làm để đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Nén đau thương thành hành động, lớp cán bộ đảng viên của Chi bộ đảng ở xã Điện Minh được chị đào tạo 15 năm qua đã đứng lên hoàn thành nhiệm vụ của chị còn dang dở, đưa cuộc chiến đấu của quân và dân Điện Minh đến thắng lợi hoàn toàn, cùng toàn quân và dân ta đuổi hết quân xâm lược Mỹ, tiêu diệt hết Nguỵ quân – Nguỵ quyền Sài Gòn thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.

Trong lễ tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân xã Điện Minh – Lịch sử đảng bộ xã Điện Minh ghi rõ: “Mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn thử thách, hy sinh tổn thất, nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã Điện Minh vẫn một lòng theo Đảng, chiến đấu đến cùng. Tiêu biểu như gia đình đồng chí Nguyễn Tấn Minh ở thôn Uất Luỹ, đồng chí đi tập kết ra Bắc, vợ là Nguyễn Thị Cận ở lại vừa gánh vác việc gia đình, vừa đấu tranh chống lại sự trả thù hèn hạ của kẻ thù, vận động tập hợp số đảng viên còn lại sau cuộc tố cộng, diệt cộng để thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, do đồng chí Cận làm bí thư suốt 15 năm kể từ năm 1954 đến 1969, khi đồng chí hy sinh trong trận đánh đêm 12/9/1969 vào đồn Vĩnh Điện. Đồng chí Cận còn động viên hai con là đồng chí Lê Minh Sơn và Nguyễn Thị Tùng tham gia hoạt động bí mật, trở thành đảng viên trong cùng chi bộ, thoát ly tham gia bộ đội, du kích xã, đến năm 1969 đồng chí Lê Minh Sơn, Đội trởng Đội Du kích vũ trang xã bị thương trong lúc chiến đấu được cấp trên điều ra miền Bắc, cô con gáiNguyễn Thị Tùng cùng với Đội Du kích xã Điên Châu chiến đấu anh dũng trong trận càn của quân Nam Triều Tiên, cùng toàn đội giết nhiều tên lính đánh thuê Nam Triều Tiên và đã anh dũng hy sinh.”

Máu của người nữ đảng viên Du kích Nguyễn Thị Cận đỗ xuống trên quê hương Điện Minh suốt trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và bọn tay sai bán nước giành Độc Lập, Thống nhất non sông Việt Nam đã góp phần tô thắm rừng hoa anh hùng của xã Điện Minh ngàn đời sau rực sáng.

Phạm Minh Thông

Nguyên Tổ trưởngTổ liên lạc

Xã đội dân quân Điện Minh 1949