Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

CHUNG TÔI VÈ QUÊ BÁC- LÀNG SEN

Tôi trở về quê Bác làng Sen

Tôi và anh Phạm Minh Thông mỗi năm ra Hà Nội vài chuyến, thường là đi máy bay, nên xong công việc là trở về Huế, về Đà Nẵng ngay. Lần này, ra họp mặt kỷ niệm 10 năm Bản tin Nội tộc – Thông tin Họ Phạm Việt Nam. Nhằm ngày 16-5. Ngày hôm sau, 17-5, ở Nghệ An khai mạc Lễ hội Làng Sen. Anh em tôi bàn với nhau, phải làm một chuyến về nguồn. Mấy khi hữu duyên thiên lý… hai “in” một trong một chuyến đi xa. Tôi đang bận việc gia đình ở TPHCM nên bay thẳng ra Vinh. Anh Phạm Minh Thông đánh xe từ Đà Nẵng ra đón tôi đi Hà Nội.

Và chúng tôi đã về đình ngoại Thanh Liệt dâng hương Ngài Thượng Thuỷ tổ Phạm Tu trước lúc đến nhà hàng bánh tôm Hồ Tây dự họp mặt kỷ niệm 10 năm. Cuộc vui chưa tàn, nhưng 17h chúng tôi phải bái biệt, tranh thủ chạy vào Thanh Hoá nghỉ đêm, rút ngắn chặng đường để sáng mai, 17-5, kịp có mặt ở Làng Sen.

Tháng 5, thành phố Đỏ tràn ngập hoa phượng đỏ; sen nở hồng khắp Làng Sen, Làng Chùa, chúng tôi hoà trong dòng người tấp nập hành hương về quê hương Bác Hồ kính yêu.


   Cây đa trong khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh


Tôi trở về Quê Bác Làng Sen
Ôi hoa sen đẹp của bùn đen
Làng quen như thể quê chung vậy
Mấy dãy ao chua mảnh đất phèn


Từ Làng Sen về thành phố Vinh, qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi, chúng tôi ghi lại được những câu chuyện cảm động về nghĩa tình sâu nặng của Bác Hồ với quê hương xứ Nghệ. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc ba mẩu chuyện nhỏ mà có thể bạn chưa biết, hoặc chưa biết xuất xứ của câu chuyện từng được nghe kể.




Nghệ An "nhà choa"!

Lần ấy, Bác về thăm quê. Đông đủ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bí thư các huyện được gặp Bác. Mở đầu cuộc gặp gỡ, Bác hỏi:

- Đây là Nghệ An "nhà choa" cả phải không?

Đồng chí Nguyễn Sĩ Quế, lúc ấy là Chủ tịch UBHC tỉnh, đứng dậy:

- Thưa Bác, ở đây có các đồng chí Tỉnh uỷ viên, Bí thư các huyện, một số Chủ nhiệm HTX và đội trưởng sản xuất tiêu biểu ạ!

Bác lại hỏi: Nam Liên có ai đi đây không?

- Thưa Bác không ạ! - Đồng chí Nguyễn Sĩ Quế trả lời.

Bác ấp bàn tay lên ngực như để tự giới thiệu:

- Nam Liên có Bác đây rồi.

Cả phòng họp cùng cười vui rộn ràng.
Sa Nam trên chợ dưới đò

Có lần, đồng chí Nguyễn Sĩ Quế được gặp Bác tại nhà đồng chí Nguyễn Duy Trinh, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Bác hỏi: Thị trấn Sa Nam bây giờ thế nào rồi chú?

Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Sĩ Quế trả lời, Bác mỉn cười thật đôn hậu rồi đọc câu ca dao ngày trước: Sa Nam trên chợ dưới đò... Bác ngậm ngùi quay sang hỏi đồng chí Nguyễn Duy Trinh: Câu gì tiếp theo câu đó chú Trinh nhỉ? Biết là Bác kiểm tra mình, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đọc ngay: Bánh đúc hai dãy thịt bò mê thiên (mê: tiếng địa phương có nghĩa là rất nhiều. Mê thiên có nghĩa là đầy trời - người viết)

Bác và mọi người cùng cười, không ngờ là Bác nhớ kĩ và nhớ lâu đến thế. Rồi Bác lại hỏi: Chú Quế, các món ấy bây giờ có còn nhiều không?

- Thưa Bác! Bánh đúc và thịt bò còn ít nhưng cảnh trên chợ dưới đò thì vẫn nhộn nhịp như xưa.

Bác bảo với mọi người: Ngày xưa ở đó buôn bán tấp nập lắm...


Sa Nam trên chợ dưới đò…

Ai biết "nác" sông Lam...

Lần ấy, Đoàn văn công Quân khu 4 được vào Phủ Chủ tịch phục vụ Bác và các đồng chí trung ương. Chị Minh Huệ, một diễn viên của đoàn, kể lại: Nghe tôi hát xong bài ví đò đưa: Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì mới biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh... Bác bảo: Ở Nghệ An người ta gọi là nác chứ không phải là nước mô. Rồi Bác hỏi Mai Tư: Cháu có biết hát phường vải không?

Biết ngày xưa thân mẫu của Bác, bà Hoàng Thị Loan, và cô em gái Hoàng Thị An là cây hát phường vải nổi tiếng trong vùng, nên Mai Tư thưa: Dạ thưa Bác, có ạ! Bác bảo Mai Tư chọn một câu mà các cụ ngày xưa thường hay hát. Mai Tư lúng túng: Dạ thưa, cháu biết hát phường vải nhưng không biết lời cũ ạ! Bác bảo: Thì cháu lấy câu ni để bắt đầu nhé: Khuyên ai chớ lấy học trò... và cháu tiếp lời đi. Mai Tư rụt rè: Dạ thưa Bác, có phải là Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm không ạ ? Bác gật đầu.

Hát theo lối phường vải xong câu ca dao đó Mai Tư lại dừng. Bác bảo: Cháu hát tiếp câu thứ hai đi. Mai Tư lại lúng túng. Bác nhắc:



Lưng dài có võng đòn khiêng

Aó dài đã có lụa hồng vua ban

Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục…

Thuyền em lên thác xuống ghềnh

Nước non là nghĩa là tình… ai ơi!

Mỗi chúng ta, ai ai cũng thấm thía về những lời Bác dạy và sự quan tâm của Bác đối với quê hương xứ sở. Những ai có may mắn được gặp Bác, được nghe Bác trò chuyện lại càng hết sức cảm động. Cảm động từ những cử chỉ, những kỷ niệm, những lời nói rất mực đời thường nhưng đã thể hiện cả một quá trình khổ công rèn luyện và hình thành nhân cách cao cả của bản thân mình.

Phạm Hữu Thanh Tùng

Phạm Minh Thông

0 comments: